Thế giới

Trung Đông tiếp tục nóng ran sau quyết định của ông Trump

Các quan chức Ảrập tuyên bố, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có nguy cơ đẩy Trung Đông vào "bạo lực và hỗn loạn".

Theo BBC, quyết định của ông Trump đã khép lại chính sách trung lập của Mỹ về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của khu vực. Hãng tin này cho biết, các ngoại trưởng của Liên đoàn Ảrập giờ đây kết luận rằng, nó chứng tỏ Mỹ không thể được trông cậy giữ vai trò trung gian cho hòa bình Trung Đông nữa.

Biểu tình gần thành phố Bờ Tây Ramallah phản đối Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 9/12. (Ảnh: Reuters)

Thông điệp của 22 quốc gia, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ, được đưa ra sau khi bạo lực và biểu tình nổ ra ngày thứ 3 liên tiếp ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Israel luôn coi Jerusalem là thủ đô của nước này, trong khi người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem - vốn bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967 – là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.

Đối với ông Trump, quyết định công nhận Jerusalem là thực thi cam kết từ hồi tranh cử và ông giải thích rằng đó "không gì khác ngoài việc công nhận hiện thực".

Nhưng ngay sau đó, ông đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ.

Nghị quyết của Liên đoàn Ảrập được nhất trí vào sớm nay sau nhiều giờ hội đàm ở Cairo. Văn bản này nhận được sự ủng hộ từ một số đồng minh của Mỹ, trong đó có UAE (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), Ảrập Xêút và Jordan.

Nội dung nghị quyết nêu rõ: Với quyết định của ông Trump, Mỹ đã "tự rút vai trò bảo trợ và trung gian" khỏi bất kỳ tiến trình đàm phán hòa bình có thể nào giữa Israel và Palestine. Động thái của ông Trump "làm tăng căng thẳng, chọc tức và đe dọa đẩy khu vực vào bạo lực và hỗn loạn hơn nữa"; Yêu cầu sẽ được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án quyết định này.

Trước đó, tại một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 8/10, Mỹ đã tự thấy mình bị cô lập, với 14 thành viên khác của hội đồng đều lên án tuyên bố của ông Trump.

Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ Nikki Haley cáo buộc Liên Hợp Quốc thiên vị, chỉ trích tổ chức này đã trở thành một trong những trung tâm thù hận cao nhất nhằm vào Israel", và Mỹ vẫn quyết tâm tìm kiếm hòa bình.

Ngày 9/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ông đã nghe thấy "những tiếng nói phản đối thông báo lịch sử của Tổng thống Trump", nhưng chưa "nghe thấy bất kỳ tiếng nói nào lên án thực trạng nã rocket vào Israel mà vốn là sự kích động khủng khiếp đối với chúng tôi".

Ngày 8/12, ba rocket từ Gaza đã được bắn về phía Israel, khiến nước này phải tiến hành các cuộc không kích để đáp trả. Nhà nước Do Thái cũng tuyên bố đã đánh trúng các cơ sở quân sự của tổ chức Hồi giáo Hamas, giết chết 2 thành viên của nhóm này.

Ngày 9/12, hàng trăm người đã biểu tình ở Bờ Tây và Gaza, nhưng số lượng người ít hơn so với các ngày trước đó.

Jerusalem là nơi quy tụ của nhiều địa điểm linh thiêng với 3 đạo Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Thành phố này có đền Al Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của Hồi giáo. Với người Do Thái thì nơi đây có Đền Núi, địa điểm thiêng liêng nhất. Do vậy, Jerusalem đã trở thành tâm điểm cuộc xung đột dai dẳng nhiều năm giữa Israel và người Palestine, với một bên được Mỹ hậu thuẫn còn bên kia được phần còn lại của thế giới Ảrập và Hồi giáo ủng hộ.

Từng bị Jordan chiếm đóng, Jerusalem về tay chính quyền Israel sau chiến tranh Trung Đông năm 1967 và từ đó, người Do Thái coi thành phố là thủ đô không thể tách rời của mình.

Phía Palestine cũng chọn Jerusalem làm thủ đô nhà nước tương lai của mình. Sự phân định chủ quyền Jerusalem đến nay chưa được quốc tế công nhận, nhưng phần lớn các trụ sở đầu nào của Israel đều nằm ở đây. Trong khi đó, các nước đều đặt sứ quán của mình ở Tel Aviv.

Khoảng 330.000 người Palestine đang sống ở Jerusalem, cùng với khoảng 200.000 người Do Thái ở trong hơn chục khu định cư tại đó. Các khu định cư này bị coi là trái phép theo luật pháp quốc tế, nhưng Israel coi đây là các khu dân cư hợp pháp.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok