Thế giới

Trump thừa hưởng bộ óc 'thiên tài' từ người cha gốc Đức

Nếu không nhờ người cha giàu có, tổng thống tân cử của nước Mỹ có thể đã không có ngày hôm nay.

Bài phát biểu tuyên bố thắng cử của Donald Trump: Tỷ phú 70 tuổi có bài phát biểu chiến thắng khá khiêm nhường, khi ông ca ngợi bà Clinton và công lao của bà, cảm ơn đội ngũ của mình cũng như hứa xây dựng nước Mỹ tốt đẹp trở lại.


Ngay từ khi sinh ra, Donald Trump dường như đã được lập trình để thành công. Với khối tài sản thừa kế lớn, nhà tài phiệt địa ốc thẳng tiến vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ - Forbes 400. Sau khi được bầu làm tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ông sẽ trở thành một trong những tổng thống giàu nhất mọi thời đại.

Không có gì ngạc nhiên khi trong bài phát biểu chiến thắng, người đầu tiên Trump bày tỏ lòng biết ơn là cha mẹ mình. Mặc dù vị tỷ phú luôn cho rằng thành công của ông là nhờ “tự thân vận động”, Donald Trump thực tế đã “dựa dẫm” khá nhiều vào người cha giàu có, nhất là trong thời đầu lập nghiệp.

Cha nào con nấy

Fred Christ Trump thường được cho là khá tương phản với người con trai hào nhoáng của ông, Donald Trump, người xây dựng những tòa tháp mạ vàng ở Manhattan, tiêu điểm của các báo lá cải, ngôi sao truyền hình thực tế và giờ là tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, những gì Donald Trump thừa hưởng không chỉ là đế chế bất động sản của cha. Như New York Times mô tả, Fred Trump chính là hiện thân của Donald Trump ở thời của ông, một doanh nhân, một đối thủ nặng ký, kẻ phỉnh phờ các chính trị gia và ưa tranh cãi.

Sinh năm 1905 tại New York trong một gia đình nhập cư người Đức, Fred Trump làm việc trong một cửa hàng thịt ở tuổi lên 10.

Cha mất sớm, ông làm việc bán thời gian khi còn học phổ thông để chu cấp cho người em trai sáng dạ, John, người sau này trở thành giảng viên của Viện Công nghệ Massachusetts.

Ở tuổi 21, Fred Trump, cùng với mẹ của mình, bà Elizabeth, đã thành lập công ty xây dựng Elizabeth Trump & Son, đặt tên như vậy bởi vì chỉ có bà là đủ tuổi để ký séc.

Donald Trump và cha tại sân trượt băng Wollman Rink, Công viên Trung tâm, New York, năm 1987. Ảnh: Getty.


Ông bắt đầu xây dựng nhà ở Queens, New York, sau đó xây dựng doanh trại và căn hộ cho binh sĩ Mỹ dọc Bờ Đông trong Thế chiến II. Công việc làm ăn nhanh chóng phát đạt, ông tiếp tục xây công ty, căn hộ cho người thu nhập thấp và các dãy nhà ở Brooklyn và Queens.

Fred Trump "ăn nên làm ra" phần lớn nhờ vào chương trình nhà ở liên bang của chính phủ cùng bối cảnh chính trị, xã hội thuận lợi. Gần như ngay sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt thành lập Cục Quản lý Nhà ở Liên bang (FHA) vào những năm 1930, ông đã háo hức tìm cách tận dụng các khoản vay trợ cấp.

Năm 1934, trong bối cảnh vật lộn với thời kỳ Đại suy thoái, nguồn tài trợ từ FHA đã cho phép Fred Trump hồi sinh công việc làm ăn. Ông bắt đầu xây dựng vô số các căn nhà ở Brooklyn và bán ra ở mức 6.000 USD mỗi căn.

Tuy vậy, tài năng kinh doanh của Fred Trump là không thể phủ nhận. Chính ông là người đã dạy cho con trai cách tiếp thị bản thân “kiểu Mỹ”.

Hàng thập kỷ trước khi Donald Trump gắn mác tên họ của gia đình lên tòa tháp đầu tiên, cha ông đã đặt tên cửa hàng tạp hóa của mình là ‘Trump Market’ và khu nhà ở tại đảo Coney là ‘Trump Village’.

Để thu hút sự chú ý, ông cũng gắn các mác giá kiểu như $ 3.999,99. “Nhiều hơn một xu thôi cũng sẽ không bán được”, Donald Trump nhớ lại lời cha dạy.

Hai cha con Trump cùng ông bầu quyền Anh, Don King, tại Atlantic City, New Jersey, năm 1987. Ảnh: AP.


Vị tỷ phú từng nói ông đã học được nhiều giá trị từ cha. Đặc biệt, trực giác nhạy bén của ông trên thương trường được rèn luyện qua việc theo cha đến công trường và nhìn ông tận dụng từng đồng đôla.

“Cha tôi sẽ nhặt nhạnh mùn cưa, đinh, phế liệu, ông ấy sẽ sử dụng tất cả những thứ có thể dùng được, tái chế chúng bằng cách nào đó và đem bán”, ông Trump cho biết trong một bài phát biểu cho Hiệp hội Xây dựng Nhà ở Quốc gia.

Ông cũng chứng kiến phong cách đàm phán cứng rắn của cha mình, ngay cả ở nhà. Trước đây, một số người bạn của Trump từng bất bình về việc người cha giàu có của Trump không mua cho con trai chiếc găng bóng chày mới.

Donald giải thích rằng cha ông có lý khi nghi ngờ con trai sẽ lờ đi giá cả của chiếc găng mình ao ước và tìm cách bắt vị thương gia mua cho bằng được.

Người cứu con trai khỏi nợ nần

Sự nghiệp của Donald Trump được xây dựng trên nền tảng sự giúp đỡ của người cha, từ những năm đầu quản lý công ty bất động sản của gia đình, tạo quan hệ với giới chính trị hay các khoản vay bảo lãnh hàng triệu USD cho những giao dịch đầu tiên.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Fred Trump đã tìm cách cứu con trai khỏi rắc rối sau khi khu sòng bạc Trump’s Castle ở Atlantic City, New Jersey, để lỡ một khoản thanh toán lãi suất trong tháng 12/1990.

Donald cùng cha mẹ tại Học viện Quân sự New York. Ảnh: Gia đình Trump.


Hai nhà báo của Washington Post là Michael Kranish và Marc Fisher đã mô tả chi tiết sự việc này trong cuốn sách ‘Trump Revealed’.

Nếu Fred chỉ đơn giản viết cho Donald một tấm séc, số tiền đó sẽ được sử dụng để thanh toán khoản nợ của sòng bạc Taj Mahal nhưng ông đã không làm vậy. Ông cử một luật sư đến Trump’s Castle để tuồn tiền vào kho bạc đang cạn kiệt của sòng bài.

Vị luật sư được cử đến, Howard Snyder, đã tới quầy đổi phỉnh và đưa ra tấm séc trị giá 3,35 triệu USD rút từ tài khoản của Fred. Sau đó, Snyder bước tới một bàn blackjack, nơi người chia bài được trả tổng cộng 670 phỉnh màu xám trị giá 5.000 USD.

Ngày hôm sau, ngân hàng chuyển khoản thêm 150.000 USD vào tài khoản của Fred tại Castle. Một lần nữa, Snyder lại đến sòng bạc và thu thêm tổng cộng 30 phỉnh.

Việc này cho phép Donald sử dụng khoản vay phi pháp trên theo bất cứ cách nào ông muốn. “Chắc chắn, Castle đã thanh toán khoản nợ ngay trong ngày luật sư của Fred mua lô phỉnh đầu tiên”, Kranish và Fisher viết.

Chiến thuật tinh vi này đã đem lại lợi ích tài chính vẹn cả đôi đường. Donald Trump không những tránh khỏi việc vỡ nợ mà còn tránh được nguy cơ mất quyền kiểm soát Trump’s Castle. Ngoài ra, ông cũng không cần trả lãi suất cho vị khách đã giữ lại phỉnh mà không đổi ra tiền mặt.

Di sản của nhà Trump

Donald Trump gia nhập công ty của gia đình vào năm 1968 khi mới 22 tuổi. Fred Trump đã cho con trai vay tiền và để Donald bước chân vào ngành kinh doanh bất động sản ở Manhattan, theo Times.

Những năm cuối đời, Fred Trump mắc phải căn bệnh Alzheimer tuổi già. Ông qua đời năm 1999, để lại khối tài sản trị giá khoảng 250-300 triệu USD. Dù giàu có, ông được biết đến là người sống giản dị.

Donald Trump và cha, Fred Trump, năm 1992. Ảnh: Splash News.


“Theo các con trai, hàng ngày ông thường lái chiếc Cadillac đến một trong các công trường sau giờ làm việc”, Times viết trong cáo phó.

“Trong bộ âu phục lịch lãm, với ngoại hình đẹp như tạc và nụ cười tươi rói, trông ông hệt như một ngôi sao điện ảnh – ông bước qua những chiếc đinh tán và sàn nhà bằng ván ép, nhặt lấy những chiếc đinh không sử dụng để giao lại cho thợ mộc vào ngày hôm sau”.

Năm 1946, khi Donald Trump vẫn còn đang quấn tã khi người cha Fred đã chi tiền vào một quỹ ủy thác cho con mình. Ngay từ khi còn nhỏ, Donald Trump đã được hưởng khoảng 12.000 USD một năm, mức thu nhập nhiều gấp 4 lần một gia đình bình thường.

Là con trai thứ 2 nhưng lại được cha yêu quý, Donald Trump đã kế thừa phần lớn thành quả từ người cha khi tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình mà người anh không mấy hứng thú.

Khi vị tỷ phú New York đắc cử tổng thống nhờ khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, người ta lại nhớ đến “giấc mơ Mỹ” một thời.

Hơn 70 năm trước, Fred C. Trump, người sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Đức, đã hiện thực hóa nó tại trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.

Nhờ vậy mà giờ đây, trong bài phát biểu chiến thắng, con trai ông, tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ, có thể tuyên bố trước toàn thế giới rằng “Không giấc mơ nào là quá lớn, không thử thách nào là quá nhiều”.

Tác giả bài viết: Tuyết Mai

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok