Thế giới

Trump gia hạn trừng phạt Triều Tiên, thỏa thuận Mỹ-Triều sẽ đi về đâu?

Sau diễn biến hạ nhiệt tích cực với Triều Tiên vừa qua, Mỹ ngày 23/6 đã gia hạn trừng phạt Bình Nhưỡng vì mối đe dọa vũ khí hạt nhân "bất thường".

Triều Tiên-“Mối đe dọa bất thường với Mỹ”

“Trước khi tôi nhậm chức, mọi người đều nói rằng chúng ta sẽ có chiến tranh với Triều Tiên. Cựu Tổng thống Obama đã nói rằng, Triều Tiên là vấn đề lớn nhất và nguy hiểm nhất của chúng ta. Vấn đề này không còn nữa. Hãy ngủ ngon đêm nay”. Đây là dòng tweet của Tổng thống Donald Trump một ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh thành công với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6.

10 ngày sau tuyên bố này, chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục gia hạn thêm 1 năm các trừng phạt với Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngồi vào bàn ký kết thỏa thuận lịch sử. Ảnh: Reuters

Ngày 23/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump có sắc lệnh gia hạn “tình trạng khẩn cấp quốc gia” thêm 1 năm, tiếp tục các trừng phạt kinh tế chống lại Triều Tiên.

“Các hành động và chính sách của chính quyền Triều Tiên, trong đó có việc theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa, cùng các hành động khiêu khích và làm mất ổn định khác… tiếp tục tạo nên mối đe dọa bất thường với nước Mỹ”, thông báo ngày 23/6 của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Trong một thông báo gửi tới Quốc hội Mỹ, Tổng thống Trump cũng nói rằng: “Sự tồn tại và nguy cơ phát triển các vật liệu có thể sử dụng cho vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, cùng các hành động và chính sách của chính phủ Triều Tiên tiếp tục là một mối đe dọa bất thường với an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao và nền kinh tế Mỹ”.

Phe Dân chủ Mỹ một lần nữa “lắc đầu ngao ngán” vì Nhà Trắng thay đổi giọng điệu sau khi Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên có một cuộc gặp Thượng đỉnh thành công ở Singapore. Nhắc lại dòng tweet nói người dân Mỹ có thể ngủ ngon của ông Trump, lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer nhấn mạnh: “Thông báo của chính quyền Tổng thống Trump hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố của ông ta cách đây vài tuần. Chúng ta cần tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc hơn là chỉ đến để chụp ảnh”.

“Nói rằng vấn đề Triều Tiên đã được giải quyết là không đúng”, ông Chuck Schumer nói thêm.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều, Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký kết một tuyên bố chung, trong đó, Mỹ cam kết “đảm bảo an ninh” cho Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng cam kết “hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”. Thỏa thuận Mỹ-Triều đang bộc lộ những “vấn đề” nhất là khi 2 bên không có cùng định nghĩa chính xác về những gì đã cam kết. Bởi vì Tổng thống Trump khẳng định rằng, Bình Nhưỡng đã đồng ý bắt đầu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” ngay lập tức.

Trong khi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các trừng phạt chống lại Triều Tiên vẫn sẽ tiếp diễn song song với các cuộc đàm phán về giải giáp kho vũ khí hạt nhân của nước này, thì truyền thông Triều Tiên lại nói rằng, Tổng thống Trump đã đồng ý “dỡ bỏ các trừng phạt”.

Vẫn có một số ý kiến cho rằng, tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” của Tổng thống Trump là điều bình thường và sẽ không ảnh hưởng tới tiến triển tích cực trong vấn đề Triều Tiên. Theo đó, Tổng thống Trump chỉ đơn tái áp đặt các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng được Mỹ công bố từ năm 2008 và được gia hạn mỗi năm một lần. Hay có thể hiểu rằng Mỹ vẫn luôn có một lệnh “tình trạng khẩn cấp quốc gia” trong suốt 10 năm qua liên quan tới vấn đề Triều Tiên và các đời Tổng thống Mỹ cứ theo đúng lộ trình gia hạn lại lệnh trừng phạt này.

Không thể phủ nhận rằng các trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên là khắc nghiệt nhất trên thế giới. Song hòa bình sẽ là một chặng đường phía trước và cần tới hành động thực chất của các bên. Trong thỏa thuận được ký kết tại Singapore, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đưa ra cam kết có giá trị về tiến tới phi hạt nhân hóa. Mục tiêu mà theo hy vọng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là sẽ mất hai năm rưỡi để hoàn thành.

Về phần Mỹ, Tổng thống Trump đã thực hiện đúng cam kết ngừng tập trận chung với Hàn Quốc.

Mỹ-Hàn đình chỉ vô thời hạn huấn luyện quân sự

Lầu Năm Góc thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã “đình chỉ vô thời hạn” 2 chương trình huấn luyện quân sự với Hàn Quốc, theo như cam kết đạt được tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

“Việc đình chỉ này bảo gồm tạm dừng cuộc tập trận Người Bảo vệ Tự do Ulchi dự kiến tổ chức trong tháng 8, với sự tham gia của hơn 17.500 binh sĩ Mỹ, cùng hai cuộc tập huấn thuộc Chương trình trao đổi Thủy quân lục chiến Hàn Quốc (KMEP) được lên kế hoạch tổ chức trong 3 tháng tới”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White cho biết.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/6 đã xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, hiện không rõ các cuộc tập trận lớn của Mỹ vào mùa Xuân 2019 có bị đình chỉ hay không?

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và Hàn Quốc hoãn tập trận chung. Đầu năm 2018, Mỹ-Hàn cũng đã nhất trí ngừng tập trận trong thời gian diễn ra Olympic Mùa Đông PyeongChang tổ chức tại Hàn Quốc và có sự tham dự của đoàn vận động viên của Triều Tiên.

Với Triều Tiên, các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn luôn là mối đe dọa lớn và là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Phía Trung Quốc cũng cho rằng, diễn tập quân sự không giúp mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, quyết định hoãn “trò chơi chiến tranh” của Tổng thống Trump đã vấp phải không ít chỉ trích. Nhiều ý kiến cho rằng tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều quá “mờ nhạt” và thiếu những cam kết cụ thể, rõ ràng từ Bình Nhưỡng.

Do đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jonh McCain đã chỉ trích quyết định ngừng tập trận chung với Hàn Quốc của Tổng thống Trump là một sai lầm./.

Tác giả: Hoàng Lê

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: Mỹ-Hàn , Trump

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok