Thế giới

Trump chưa lên, Putin đã thắng thế

Nga đang tranh thủ khoảng trống trong chuyển giao quyền lực tại Mỹ, để giành ưu thế vượt trội trên chiến trường Syria.

Đầu tháng 9/2016, cục diện Syria bế tắc khi Nga và Mỹ không đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Allepo, nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Syria.

Dàn tàu chiến Nga điều tới Syria


Moscow và Washington không thể thống nhất về một số điều khoản trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Syria. Nga luôn chỉ trích Mỹ không thể tiêu diệt IS một cách triệt để và hiệu quả.

Một tháng sau đó, bầu cử tại Mỹ vào nước rút. Trên khắp nước Mỹ sôi sục quyết định xem ai sẽ là tổng tư lệnh kế tiếp. Putin hầu như không gặp trở ngại gì khi điều dàn chiến hạm lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh tới ngoài khơi Syria.

Ít nhất 10 chiến hạm, trong đó có tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, cùng với hàng loạt máy bay chiến đấu, trực thăng liên tục tập trận, ‘trống dong cờ mở’, khi di chuyển từ Baltic và Biển Bắc tới Đại Tây Dương.

Tháng 11, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ, Donald Trump đánh bại Hillary Clinton. Putin chỉ việc phất cờ khai hỏa trong khi đa số người Mỹ còn chưa biết phải làm gì với ‘Tổng thống Donald Trump’.

Ngày 15/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết quân đội Nga mở chiến dịch quy mô lớn nhằm vào IS và Al Nusra (chi nhánh Al-Qaeda) ở Homs và Idlib, với sự tham gia lần đầu tiên của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vào chiến dịch thực chiến.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin


Xét về thời điểm, sự tính toán can thiệp của Putin ở Syria dường như luôn ghi điểm.

Việc triển khai ‘cỗ máy chiến tranh’ rầm rộ tới cửa ngõ Địa Trung Hải, trong lúc nước Mỹ bộn bề với bầu cử, đã giúp Nga có không gian hành sự tùy ý.

Quan điểm của Nga khi tham chiến ở Syria luôn là tranh thủ thời cơ, đánh nhanh, thắng gọn. Vì thực tế, dù có căn cứ không quân và cảng tại Syria, nhưng Nga không thể duy trì lực lượng kéo dài chiến tranh.

Tấn công càng hiệu quả, Nga càng sớm có chủ bài để buộc phương Tây đàm phán, góp phần áp đặt cuộc chơi.

Với việc đánh lớn vào Syria trong lúc Mỹ đang ở thời điểm khoảng trống quyền lực, Putin muốn xác lập quyền chủ đạo trong vấn đề Syria. Từ đây, Mỹ cũng như các đối tác trong NATO buộc phải nhượng bộ và xây dựng liên minh với Nga trong cuộc chiến chống IS và Al Nusra.

Cứu cánh của Putin trong việc này, là lấy bàn đạp địa chính trị ở Syria để thoát khỏi vòng vây của phương Tây Trung Đông, và cả Ukraina.

Theo tạp chí Chính trị Quốc tế, mọi đường đi, nước bước của quân Nga kể từ đầu tháng 8/2015 đến nay đều khiến Mỹ và đồng minh rơi vào thế bị động, hoặc biết thì đã quá muộn.

Chẳng hạn như cuối tháng 8/2015, chỉ trong vòng một tháng, Nga đã bố trí 2 binh đoàn không quân hỗn hợp, với hơn 50 máy bay chiến đấu ở căn cứ Latakia của Syria, với tổng số lính khoảng 1500-2000 người.

Nga hầu như hoàn thành một cách trình tự loạt bố trí quân sự quy mô lớn nhất ngoài không gian Liên Xô trước đây (kể từ khi Liên Xô tan rã). Phương Tây loan tin về việc Nga bố trí quân sự, nhưng không thể ngờ quy mô lớn tới mức đó.

Xuất thân từ lực lượng tình báo, Putin biết cách ‘đánh lạc hướng’ đối thủ, khi dàn trận tại Syria bằng các hoạt động ngụy trang quân sự.

Cuối tháng 9/2015, Nga lấy cớ tập trận hải quân bắn đạn thật ở Syria, nhưng thực chất là che giấu bố trí bí mật quân sự quy mô lớn ở Syria. Nhờ đó, các máy bay chiến đấu của Nga ở từ Orenburg vượt qua không phận Iran, Iraq đến tập kết êm ru ở căn cứ Latakia – dưới sự ngụy trang tín hiệu radar máy bay chở khách cỡ lớn.

Với các bố trí lực lượng nhanh, gọn, Nga chiếm ưu thế chiến lược trên chiến trường. Khi được Hội đồng Liên bang Nga trao quyền, Putin ra lệnh khai hỏa, và chỉ cho Mỹ một giờ chuẩn bị.

Sau hơn một năm can thiệp vào Syria, chiến thuật ‘chiến tranh hỗn hợp’ của Nga (còn gọi là ‘học thuyết Gerasimov’) đang mang lại thành công bước đầu cho Putin, khi buộc Mỹ phải điều chỉnh lập trường cứng rắn, tái khởi động cách thức giải quyết khủng hoảng bằng chính trị.

Tác giả bài viết: Lê Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok