Thế giới

Trực thăng Diều hâu đen bí ẩn của đặc nhiệm Mỹ

Phần đuôi còn lại của trực thăng bí ẩn được gọi là "Diều hâu đen tàng hình" tại hiện trường vụ tiêu diệt bin Laden đã vén bức màn bí ẩn về những vũ khí bí mật của Lầu Năm Góc.


Diều hâu đen tàng hình vẫn là bí ẩn với thế giới. Ảnh đồ họa: Military Today

Ngày 2/5/2011, tin tức về cái chết của trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden lan truyền chóng mặt trên các mặt báo. Những bức ảnh tại hiện trường khu vực Abbottabad, Pakistan - sào huyệt cuối cùng của trùm khủng bố trước khi bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt xuất hiện khắp các trang báo, mạng xã hội.

Trong các bức ảnh đó, giới phân tích quân sự đặc biệt chú ý đến phần đuôi của một chiếc trực thăng bí ẩn nằm tại hiện trường. Theo Military Today, 2 trực thăng bí ẩn đã được sử dụng trong chiến dịch đột kích của đặc nhiệm Navy SEAL tiêu diệt bin Laden.

Một trong hai chiếc đã gặp sự cố và không thể trở về căn cứ, đặc nhiệm Mỹ đã dùng thuốc nổ để phá hủy trực thăng. Tuy nhiên, phần đuôi khá nguyên vẹn còn sót lại hiện trường dẫn đến nhiều đồn đoán về nó. Một số chuyên gia quân sự gọi chiếc trực thăng là “Diều hâu đen tàng hình”. Tuy nhiên, đó không phải là tên gọi chính thức của nó.

Thiết kế dị thường

Không có thông tin chính thức và hình ảnh về phiên bản tàng hình của trực thăng Blackhawk, Military Today đã dựng một bản đồ họa trên máy tính dựa theo phần đuôi còn sót lại. “Diều hâu đen tàng hình” có thiết kế khí động học theo công nghệ tàng hình, phần thân hình e líp và mũi nhọn để giảm tối đa sự phản hồi radar.

Phần động cơ được thiết kế kiểu góc cạnh với các tấm chắn đặc biệt giúp giảm tối đa mức độ bộc lộ hồng ngoại. Trên đỉnh rotor chính và ở đuôi có một tấm chắn giúp khuếch tán nhiệt lượng và tiếng ồn phát ra trong quá trình quay của cánh quạt.

Đồ họa thiết kế của Diều hâu đen tàng hình. Ảnh: Military Today

Diều hâu đen tàng hình được cho là có khả năng hoạt động rất êm. Những công nghệ và thiết kế đặc biệt giúp tiếng ồn phát ra từ trực thăng dễ dàng hòa lẫn vào môi trường xung quanh. Một số người sống gần khu trú ẩn của bin Laden từng nói rằng, họ không nghe thấy tiếng trực thăng tiếp cận cho đến khi nó ở ngay trên đầu.

Người ta tin rằng, trực thăng bí ẩn này đã được sử dụng trong lực lượng đặc nhiệm Mỹ nhiều năm qua mà không bị phát hiện. Dường như tất cả các sứ mệnh đều thành công, hoặc ít nhất trực thăng đã trở về căn cứ một cách an toàn.

Trực thăng được sơn màu đen bí ẩn cùng các công nghệ giúp nó trở nên “vô hình” trước các biện pháp trinh sát điện từ. Nhiều khả năng, trực thăng này chỉ sử dụng vào ban đêm nên việc nhận diện nó bằng mắt thường cũng rất khó khăn. Military Today nhận định, Diều hâu đen tàng hình chỉ được sử dụng trong các sứ mệnh ưu tiên cao nhất.

Máy bay được cho là có thể chở theo 10-12 lính đặc nhiệm với đầy đủ trang bị. Nhiều khả năng nó cũng được trang bị một số vũ khí để chi viện hỏa lực cho đơn vị tấn công. Cửa lên xuống có thể được lắp súng máy M134 Minigun.

Người ta nhận định, Diều hâu đen tàng hình có thể có khoang vũ khí bên trong mang theo tên lửa Hellfire để tấn công mặt đất, hoặc tên lửa phòng không tần ngắn Stinger để tự vệ.

Tranh cãi về nguồn gốc

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng, chiếc trực thăng ở hiện trường là phiên bản sửa đổi từ trực thăng vận tải đa dụng MH-60 Blackhawk. Một số bác bỏ ý kiến này vì phần đuôi còn lại ở hiện trường không hề giống MH-60 thường được lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng.


Phần đuôi trực thăng bí ẩn tại hiện trường. Ảnh: Military Today

Trực thăng là một thiết kế hoàn toàn mới chứ không phải là phiên bản của Blackhawk. Có ý kiến cho rằng, trực thăng rơi tại hiện trường là phiên bản của trực thăng tàng hình RAH-66 Comanche đã bị hủy bỏ trước đó. Phần tấm chắn ở đuôi của trực thăng bí ẩn khá giống với thiết bị tương tự trên rotor chính của RAH-66 càng củng cố cho giả thuyết trên.

Chương trình trực thăng trinh sát-tấn công hạng nhẹ RAH-66 Comanche được phát triển vào đầu những năm 1990. Trực thăng được thiết kế theo công nghệ tàng hình. Khung máy bay được chế tạo chủ yếu từ vật liệu composite cùng một số công nghệ điện tử hàng không tiên tiến.

Tại thời điểm ra mắt vào năm 1999, Comanche đã tạo ra bước đột phá về công nghệ tàng hình dành cho trực thăng. Tuy nhiên, chương trình Comache đã bị hủy bỏ vào năm 2004 do chi phí quá cao. Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết sẽ sử dụng các công nghệ từ chương trình Comanche cho các dự án ở tương lai. Tuy nhiên, một chương trình trực thăng vận tải tàng hình không bao giờ được công bố một cách chính thức.

Tác giả bài viết: Quốc Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok