Vấn đề chưa hẳn là giữa trọng tài nội và trọng tài ngoại, bên nào có năng lực chuyên môn cao hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, người ta tin trọng tài ngoại không bị tác động hoặc bị chi phối từ ai cả, nên người ta cũng ít phản ứng trọng tài ngoại.
Một ví dụ khác nằm phản ứng của Quyền chủ tịch CLB TPHCM Lê Công Vinh. Chỉ vì một trận đấu không hài lòng về quyết định của trọng tài, vị quyền chủ tịch đội bóng thành phố đã đưa ra tuyên bố rằng sẵn sàng tài trợ để BTC giải thuê trọng tài ngoại.
Dĩ nhiên, phản ứng của Công Vinh là quá lố, lời nói của vị quan chức ở CLB TPHCM cũng không đúng mực, nhưng nguyên nhân sâu xa của vấn đề nằm ở chỗ có thể Công Vinh hay bất cứ nhà quản lý đội bóng nào khác tại Việt Nam thường không tin trọng tài.
Nếu người thổi quả phạt đền trong trận Thanh Hoá - CLB Hà Nộ ở vòng 21 là trọng tài nội, chứ không phải trọng tài ngoại, có thể tình huống đấy đã bị phản ứng mạnh (ảnh: Gia Hưng) |
Cách phản ứng của đội Long An trong sự cố lịch sử trên sân Thống Nhất tối 19/2 cũng cho thấy điều đó. Tập thể đội bóng miền Tây Nam bộ phản ứng cực mạnh, theo hướng đồng loạt vì trong đầu họ vốn đã tồn tại sẵn tâm lý giới trọng tài bóng đá Việt Nam thiếu công bằng.
Mà các đội bóng tin vào sự công bằng từ giới trọng tài sao được khi mà rất nhiều trọng tài nội dù không đảm bảo về mặt chuyên môn, dù thường xuyên mắc sai lầm nghiêm trọng từ năm này qua năm khác, vẫn được tin dùng.
Trường hợp của trọng tài Nguyễn Trọng Thư là một ví dụ sinh động nhất. Vài mùa bóng trở lại đây, vị trọng tài này liên tục dính sai sót rất lớn qua từng mùa bóng khác nhau, nhưng vẫn liên tiếp được phân công làm nhiệm vụ ở tần suất cao nhất.
Các đội thường phản ứng trọng tài vì họ không tin vào trọng tài (ảnh: Anh Hải) |
Và sau nhiều sai sót của chính ông Thư, Ban trọng tài thường có kết luận là trọng tài Trọng Thư hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ các đội bóng, từ dư luận trong nước, bất chấp cách “hoàn thành nhiệm vụ” của trọng tài Thư là làm lợi cho một đội và gây ức chế và gây thiệt hại cho đội còn lại, trong nhiều trận đấu cụ thể, rõ ràng nhất là trận CLB TPHCM – Long An tối 19/2 vừa nêu.
Trọng tài Trọng Thư chỉ nghỉ làm nhiệm vụ ở lượt về V-League năm nay vì không vượt qua bài kiểm tra thể lực, chứ Ban trọng tài chưa bao giờ đánh giá ông Thư không đủ năng lực.
Làm sao các đội bóng tin vào công bằng ở đội ngũ trọng tài, ở một ban chức năng mà con bị phản ứng, cha lại là người ngồi ghế trưởng ban, rồi là người có quyết định cuối cùng về việc con mình sai hay đúng xung quanh các phản ứng.
Và làm sao làng cầu Việt Nam tin vào sự công bằng ở giới trọng tài khi ghế trưởng ban này luôn vững như bàn thạch, bất chấp sự yếu kém trong công tác chuyên môn, công tác phân công trọng tài, công tác đào tạo, công tác quản lý trọng tài… kéo dài nhiều năm liền.
Ông Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc phát biểu: “Trọng tài sai đã có Ban trọng tài xử lý!”, sau khi quyền chủ tịch CLB TPHCM Lê Công Vinh đòi tài trợ việc thuê trọng tài ngoại, nhưng ngay cả Ban trọng tài cũng gây mất niềm tin, không được đánh giá cao về năng lực điều hành, năng lực quản lý, thì giới bóng đá nội nói chung còn trông mong gì vào khả năng xử lý sự cố của ban này?!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí