Năm 2017, giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam bình quân 10 USD/kg, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng các nước khoảng 20 USD/kg, cho thấy giá trị cao của loại hạt này.
Hạt điều sẽ mang lại giá trị kinh tế cao khi đạt chuẩn hữu cơ sớm |
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn - một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đầu ngành điều, cho biết tại Việt Nam cũng có những vùng trồng điều theo hướng hữu cơ, trong đó một số đã có chứng nhận hữu cơ quốc tế nhưng diện tích khá nhỏ. Một số sản phẩm điều hữu cơ có chứng nhận được bán trong nước với giá từ 700.000-800.000 đồng/kg, gấp 2-3 lần sản phẩm thường.
Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Campuchia về việc phát triển vùng nguyên liệu trồng điều 500.000 ha tại Campuchia, dự tính sản lượng 1 triệu tấn điều thô, phục vụ các DN Việt Nam chế biến xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết qua khảo sát nhận thấy Campuchia rất có lợi thế trồng điều, đặc biệt là điều hữu cơ. Lý do là Campuchia có quỹ đất rộng phù hợp cho cây điều phát triển và thói quen canh tác của nông dân Campuchia rất ít sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Thời gian qua, nông dân Campuchia trồng cao su và khoai mì không có hiệu quả kinh tế nên chính quyền nước này đang tìm kiếm cây trồng thay thế. Trong khi đó, ngành điều Việt Nam đang thiếu nguyên liệu nên đã xúc tiến việc hợp tác.
Theo ông Thanh, Vinacas khuyến cáo Campuchia canh tác điều theo hướng hữu cơ và được Bộ trưởng Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Campuchia chấp thuận. Tuy nhiên, việc triển khai phụ thuộc vào phía Campuchia vì trong thỏa thuận hợp tác, Vinacas chỉ chuyển giao kỹ thuật (giống, thu hái, bảo quản) và bao tiêu thu mua điều thô toàn bộ. Vinacas không có chức năng kinh doanh nên không thực hiện canh tác trực tiếp hoặc xây dựng nhà máy chế biến tại Campuchia.
Ông Thanh thông tin thêm: Có một số DN hội viên Vinacas đầu tư trồng điều tại Campuchia, một số sắp thu hoạch. Các dự án này không nằm trong thỏa thuận hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu 500.000 ha mà Vinacas ký kết.
Tác giả: Ngọc Ánh
Nguồn tin: Báo Người lao động