Thông tin từ Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hóa cho thấy, Trong 7 tháng năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa là 1.919 doanh nghiệp, đạt 64% kế hoạch và tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 15.371,7 tỉ đồng (tăng 50,1%); vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 8 tỉ đồng/doanh nghiệp (tăng 21,2%); tổng số lao động của các doanh nghiệp khoảng 14.600 người. Số doanh nghiệp thành lập mới 7 tháng xếp thứ 7 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong 7 tháng năm 2024, tỉnh Thanh Hóa có số doanh nghiệp thành lập mới xếp thứ 7 cả nước. (Ảnh minh hoạ) |
Toàn tỉnh có 06 huyện đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2024, gồm: Thường Xuân, Như Xuân (đều thành lập 20 doanh nghiệp, vượt 33,3%), Thiệu Hóa (61 doanh nghiệp, vượt 10,9%), Triệu Sơn (82 doanh nghiệp, vượt 9,3%), Nông Cống (66 doanh nghiệp, vượt 1,5%), Quan Sơn (10 doanh nghiệp, đạt 100%); có 09 địa phương đạt trên 70% kế hoạch, gồm: Bá Thước (18 doanh nghiệp, đạt 90%), Quảng Xương (78 doanh nghiệp, đạt 86,7%), Lang Chánh (08 doanh nghiệp, đạt 80%), Cẩm Thủy (31 doanh nghiệp, đạt 77,5%), Nga Sơn (38 doanh nghiệp, đạt 76%), Hà Trung (37 doanh nghiệp, đạt 74%), Thọ Xuân (107 doanh nghiệp, đạt 71,3%), thị xã Bỉm Sơn (57 doanh nghiệp, đạt 71,3%), Hoằng Hóa (81 doanh nghiệp, đạt 70,4%); có 12 địa phương đạt dưới 70% kế hoạch, gồm: TP.Thanh Hóa (781 doanh nghiệp, đạt 53,1%), TP.Sầm Sơn (77 doanh nghiệp, đạt 53,1%), Đông Sơn (36 doanh nghiệp, đạt 60%), Vĩnh Lộc (26 doanh nghiệp, đạt 57,8%), Như Thanh (23 doanh nghiệp, đạt 57,5%), Mường Lát (01 doanh nghiệp, đạt 20%).
Có 13/17 lĩnh vực, ngành, nghề có số doanh nghiệp đăng ký tăng so với cùng kỳ, như: Vận tải, kho bãi tăng 86,2%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 38,4%; hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 33,3%; kinh doanh bất động sản tăng 31,7%; khai khoáng tăng 28,6%...
Có 04/17 lĩnh vực, ngành, nghề có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ, gồm: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 15,4%; giáo dục - đào tạo giảm 15,4%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 7,1%; khoa học, công nghệ, tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác giảm 12,6%.
Trong 7 tháng năm 2024, các doanh nghiệp đã nộp ngân sách nhà nước 8.239,6 tỉ đồng, bằng 88,6% dự toán và tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó: Thu từ doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý 837,9 tỉ đồng, đạt 50,5% dự toán, giảm 11% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý 80,9 tỉ đồng, đạt 64,7% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp FDI 5.133,2 tỉ đồng, đạt 106,6% dự toán, tăng 25,2% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp dân doanh 2.187,6 tỉ đồng, đạt 81% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong 7 tháng năm 2024, do tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh hạn chế, một số doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động chất lượng cao… do vậy, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 21,3%, giải thể tăng 43,4%, thông báo giải thể tăng 98,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tác giả: Đình Đông
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn