Trước đó, bà Park luôn phản đối cuộc điều tra trực tiếp và không tham gia bất cứ phiên điều trần nào tại Tòa án Hiến pháp về kiến nghị luận tội bà của Quốc hội. Tuy nhiên, từ ngày 10/3, bà Park đã bị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết phế truất khỏi cương vị Tổng thống và tước quyền miễn trừ. Như vậy, bà sẽ phải đối mặt với cuộc điều tra và nếu phớt lờ lệnh triệu tập lần này của nhóm công tố đặc biệt mà không có lý do chính đáng, bà Park có thể phải đối mặt với một lệnh truy nã do tòa án phát ra.
Nếu bà Park xuất hiện để trả lời thẩm vấn sắp tới, bà sẽ trở thành cựu Tổng thống thứ 4 của Hàn Quốc trả lời thẩm vấn về các cáo buộc hình sự, sau ông Roh Tae-woo, ông Chun Doo-hwan và cố Tổng thống Roh Moo-hyun. Ông Roh đã tự tử năm 2009 trong thời gian diễn ra cuộc điều tra cáo buộc cho rằng các thành viên gia đình nhận tiền bất hợp pháp.
Trong một diễn biến khác, Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn ngày 15/3 một lần nữa kêu gọi đoàn kết dân tộc vào một thời điểm đất nước đang rối loạn vì vụ bê bối tham nhũng chấn động. Phát biểu tại một buổi lễ kỷ niệm 57 năm ngày diễn ra cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ ở Hàn Quốc, ông Hwang nhấn mạnh "đoàn kết dân tộc sẽ tạo nền tảng cốt lõi để vượt qua khủng hoảng", đồng thời cam kết sẽ đảm bảo cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 tới diễn ra "minh bạch và công bằng". Ông cũng bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử tới sẽ là "điểm khởi đầu mới" đưa đất nước vượt qua vụ bê bối và mở ra "một tương lai mới".
Sau phán quyết lịch sử của tòa, một cuộc bầu cử sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày.
Nguồn tin: