Kinh tế

Triển vọng cây có múi ở Quỳnh Lưu

Trước đây, bà con các xã miền núi của huyện Quỳnh Lưu chủ yếu trồng cây dứa, cây mía và cây sắn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các loại cây này không còn phát huy hiệu quả như trước. Chính vì vậy, bà con đã chuyển sang trồng các loại cây có múi như cam, quýt… Các mô hình này bước đầu đã khẳng định hiệu quả.

Anh Trịnh Văn Quý ở xóm 4A - xã Quỳnh Châu có diện tích đất núi 1,4ha. Trước đây, anh Quý chủ yếu trồng dứa, nhưng mấy năm gần đây, loại cây này cũng khá bấp bênh. Nhà máy không còn thu mua nhiều như trước, giá dứa cũng không ổn định. Năm 2011, được bạn bè giới thiệu giống cam Valenxia có nguồn gốc từ Cu Ba. Anh Quý đã tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời, mời chuyên gia về khảo sát chất đất của gia đình xem có thể trồng giống cam cho hiệu quả không.
Vườn cam của gia đình anh Quý đã cho quả đại trà sau 5 năm trồng
Được chuyên gia khẳng định đất vùng miền núi phía Tây huyện Quỳnh Lưu trồng cam rất tốt, có thể cho quả đẹp, ngọt, ngon hơn cả những vùng cam đã có thương hiệu, anh đã mạnh dạn đưa 670 cây giống cam Valenxia có nguồn gốc từ Cu Ba về trồng. Cây giống được anh lấy tại Quỳ Hợp với giá 20.000 đồng/cây. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn cả sự mong đợi của anh.
Giống cam Valencia được bán tại vườn với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg
Sau 4 năm, cam đã cho quả bói, lứa đầu tiên cho thu nhập hơn 140 triệu đồng. Đến thời điểm này, cam của gia đình anh Quý đã được 5 năm cũng là thời điểm giống Cam này bắt đầu cho quả đại trà. Dự kiến mỗi cây cho khoảng 3 – 4 yến quả. Với giá bán tại vườn từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, gia đình anh Quý sẽ có thu nhập khoảng hơn 1tỷ đồng/năm.
“Cam Valencia là giống cam chín muộn, thời gian dài, 15 tháng kể từ khi ra hoa cho tới lúc thu hoạch cây vừa mang nuôi quả vụ trước, vừa ra hoa cho vụ sau. Toàn bộ cam của gia đình tôi vụ này sẽ cho thu hoạch vào mùa đông. Hiện nay, thương lái đã đặt mua toàn bộ diện tích cam của gia đình để bán vào dịp Tết” – anh Quý nói.

Cùng với cây Cam, cây Quýt cũng đã được đưa về trồng khá nhiều trên vùng đất núi huyện Quỳnh Lưu. Sau khi khảo sát và tham quan một số mô hình trồng cam, quýt quy mô nhỏ nhưng cho hiệu quả cao ở địa phương.

Quýt ngọt BQ sai quả của anh Trần Quang Hải
Năm 2012, gia đình anh Trần Quang Hải ở xóm Đông Xuân - xã Quỳnh Châu cũng đã đưa về trồng 500 gốc quýt ngọt BQ trên diện tích gần 1ha. Sang năm thứ 3, giống quýt BQ đã cho quả bói với khoảng 20 tấn quả. Giá bán mỗi kg từ 13.000 – 15.000 đồng. Gia đình anh đã có thu nhập hơn 250 triệu đồng.

Cũng giống như cam Valenxia, giống quýt ngọt BQ sau 5 năm sẽ cho thu hoạch đồng loạt. Hiện nay, giống quýt BQ đang phát triển rất tốt. Mỗi cây có thể cho khoảng từ 1 – 1,6 tạ quả. Mô hình này hứa hẹn đem lại cho gia đình anh Hải thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm. Anh Hải cho biết thêm: Giống cam, quýt rất phù hợp với vùng miền núi phía tây huyện Quỳnh Lưu. Cho năng suất quả rất cao nên bà con rất phấn khởi. Mặc dù hiện nay quả còn nhỏ nhưng thương lái nhiều nơi đã đến dạm hỏi và đặt mua. Chúng tôi rất mong muốn mở rộng thêm nhiều mô hình để có thương hiệu cam, quýt của Quỳnh Lưu như các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn.

Mỗi cây quýt ngọt có thể cho khoảng từ 1 – 1,6 tạ quả
Cây cam, quýt đã có mặt trên địa bàn các xã miền núi phía Tây huyện Quỳnh Lưu như Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Tân Sơn, Quỳnh Tam… từ rất lâu nhưng chỉ trồng theo hình thức nhỏ lẻ, giống chưa được lựa chọn. Mấy năm gần đây, khi các giống cây có múi lên ngôi, cho hiệu quả kinh tế cao thì người dân mới mạnh dạn trồng trên diện tích lớn. Các giống như cam Valencia và quýt ngọt BQ đã phát triển hơn 10ha. Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Nhận thấy các giống cây có múi rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở vùng miền núi phía Tây huyện, từ đó, huyện chỉ đạo các xã tập trung rà soát, đánh giá thực trạng để xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể. Dựa vào quy hoạch, các xã cũng đã tập trung triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng diện tích; hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung để xây dựng thương hiệu cho cam, quýt của Quỳnh Lưu.

Cây cam, cây quýt đã khẳng định hiệu quả trên vùng đất miền núi phía Tây huyện Quỳnh Lưu. Tin rằng, với sự hỗ trợ của chính quyền cùng với sự nỗ lực của bà con nhân dân, Quỳnh Lưu sẽ trở thành vùng đất với thương hiệu cam quýt được nhiều người biết tới

Tác giả bài viết: Thanh Nhàn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok