|
Bài toán sau nhiều năm dẫn đầu miền Trung về thu hút FDI
Tính tới thời điểm hiện tại, Thanh Hóa vẫn đang là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Thanh Hóa đang có dấu hiệu chững lại trong việc thu hút thêm các dự án mới.
Tính tới hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 93 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký chiếm tới 14,32 tỷ USD. Trong đó, riêng Dự án Khu liên hiệp lọc hóa dầu Nghi sơn đã có suất đầu tư hơn 9 tỷ USD, bên cạnh Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD đã chiếm tỷ trọng lớn.
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn. |
Tuy nhiên, tới năm 2020 và 2021 gần đây, dòng vốn FDI vào Thanh Hóa có dấu hiệu chững lại sau nhiều năm ghi nhận thuận lợi.
Theo ghi nhận trong năm 2020, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tìm đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ), Tập đoàn Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc), Tập đoàn Mintal (Hồng Kông), Tập đoàn Fangda (Trung Quốc), Tập đoàn INTCO (Singapore), Tập đoàn Chuwa Busan (Nhật Bản), các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)... Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều lần khảo sát cũng chưa có "đại bàng" nào ở trên quyết định lựa chọn Thanh Hóa để “xây tổ”.
Trong thống kê về thu hút FDI trong năm 2021, tỉnh Thanh Hóa thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng kí mới đạt 112,7 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 5 dự án FDI với số vốn điều chỉnh là 14,8 triệu USD.
Mới nhất, từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa mới thu hút được 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 41 triệu USD, trong khi đó, một số tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ lại đang có sự bứt phá nhanh chóng.
Ví dụ điển hình như Nghệ An, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh này đã thu hút được hơn 600 triệu USD từ nguồn vốn FDI, lọt top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước sau 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó là Hà Tĩnh, mặc dù "đi sau" những tới nay thu hút hơn 13,7 tỷ USD vốn FDI với 76 dự án triển khai tại địa bàn đến từ 21 quốc gia, phân bổ vào 25 ngành, nghề. Từ đó đã tạo động lực thu hút thêm nhiều thành phần kinh tế khác cùng hội tụ, giúp thay đổi rõ ràng bộ mặt kinh tế địa phương này.
Tăng tốc khơi thông vốn FDI
Từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư, trong đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư ngoài nước như: Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB), Đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan), Công ty TNHH Vaude Việt Nam, Công ty TNHH JFE Engineering Việt Nam… nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư, kịp thời giải đáp thắc mắc và tháo gỡ các khó khăn trong các hoạt động đầu tư tại địa phương này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, về cơ bản các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn diễn ra tương đối suôn sẻ, với tổng vốn FDI đăng ký vẫn thuộc thứ hạng cao của cả nước cũng như khu vực miền Trung. Tuy nhiên, vài năm gần đây, với điều kiện khó khăn chung khiến dòng vốn FDI về địa phương có phần hạn chế.
Đầu tiên, theo ông Nghĩa, với sự bùng phát và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho kinh tế thế giới có phần chững lại, nhiều hoạt động bị đảo lộn ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiếp đến, tình hình địa chính trị thế giới thời gian qua diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang đã khiến đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá nhiên liệu lạm phát khắp nơi tăng cao đẩy kinh tế thế giới nguy cơ lâm vào suy thoái. Từ đó, dòng vốn FDI cũng bị hạn chế trước những điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước.
Tiếp đó, từ việc đứt gãy nhanh chóng các chuỗi cung ứng buộc các doanh nghiệp không có thời gian chờ đợi, việc lựa chọn các địa điểm có sẵn điều kiện phù hợp để đặt nhà máy, bắt tay vào sản xuất ngay được ưu tiên, mặc dù chi phí có phần lớn hơn việc lựa chọn các địa điểm có nhiều ưu đãi cũng khiến dòng vốn FDI có sự điều chỉnh lớn.
Ngoài khó khăn chung kể trên, việc thiếu mặt bằng sạch, quy mô lớn cùng với cơ sở kết cấu hạ tầng công nghiệp vẫn còn hạn chế là những trở ngại trong thu hút đầu tư nước ngoài trước, mặc dù Thanh Hóa có những thuận lợi và ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư.
Nhận thấy những hạn chế trên, hiện Thanh Hóa ngoài tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, cũng đồng thời nhanh chóng hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng để sẵn sàng thu hút được các nhà đầu tư lớn. Trong đó, việc xây dựng sẵn các "tổ đại bàng" đầy đủ tiện nghi, với hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng bài bản hiện đại, được kết nối giao thông đồng bộ đang được gấp rút triển khai tại các mặt bằng công nghiệp tại địa phương này.
Nhiều hạ tầng công nghiệp đang được tỉnh Thanh Hóa chú trọng kêu gọi đầu tư. |
"Ngoài cơ chế thông thoáng, ưu đãi trong thu hút đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng hạ tầng, kết cấu các khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch và xem đây là yếu tố quan trọng để có thể đón được các nhà đầu tư. Với nhà đầu tư nước ngoài, người ta muốn có mặt bằng sạch để có thể xây dựng nhà máy làm ngay chứ không thể chờ đợi, nhất trong giai đoạn này nhiều chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy vì vậy thời gian lại càng gấp rút để xây dựng các nhà máy mới.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng cố gắng xúc tiến hy vọng thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đẳng cấp quốc tế, có uy tín như VSIP, Nomura... Họ có nhiều khách hàng quốc tế nên sẽ có nhiều thuận lợi hơn để lôi kéo các bạn hàng, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn FDI", ông Nghĩa cho biết.
Theo tìm hiểu, hiện, tỉnh Thanh Hoá có 106,000ha thuộc KKT Nghi Sơn và 8 KCN với tổng diện tích khoảng 2.250ha. Trong đó có 5 KCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch phát triển KKT và KCN của tỉnh Thanh Hoá từ 2021 đến 2030 và đến 2045, tỉnh sẽ phát triển: cửa khẩu quốc tế Na Mèo và 2 KCN dịch vụ đô thị tại huyện Quan Sơn. Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh luôn ưu tiên trong việc thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp, đây được xem là cơ sở quan trọng để thu hút các doanh nghiệp đến thuê đất, đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều cụm công nghiệp vẫn còn vướng mắc thủ tục đầu tư về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch... Ông Mai Xuân Liêm cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp đồng bộ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành các ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần thu hút hỗ trợ cho các tập đoàn lớn mà tỉnh thu hút đầu tư vào các KCN, KKT.
|
Tác giả: Việt Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn