Cuộc sống

Trẻ bị bảo mẫu bạo hành và lời xin lỗi đầy nước mắt của một bà mẹ 9X

Phải can đảm lắm tôi mới dám dừng tay trượt màn hình điện thoại... những hình ảnh, âm thanh của đoạn video tự động play đập vào mắt... Đau đớn, xót xa quá!

Khi nào còn tồn tại những ông bố bà mẹ lấy cân nặng làm mục tiêu của giáo dục thì sẽ còn những giáo viên xem việc cưỡng ăn là phương pháp để đạt được mục tiêu.

Em bé trong bức ảnh bị "người mẹ hiền" của mình cầm cổ nhồi ăn hệt như một con gà bị người ta nhồi bánh đúc cho nặng cân trước khi mang ra chợ bán! Miếng ăn có lẽ vẫn còn tắc ở cuống họng! Con cố gắng dùng tất cả chút sức lực yếu ớt của mình để bấu lấy tay người đàn bà lòng lang dạ sói, toàn thân thẳng đuột như thể chẳng còn thở được.

Có lẽ con bằng tuổi con trai của mẹ!

Các con à!

Nếu có thể nói gì đó với các con, mẹ chỉ có thể nói rằng mẹ xin lỗi các con nhiều lắm!

Chẳng biết từ bao giờ, những bà mẹ như mẹ đã biến niềm hạnh phúc trong những bữa ăn của các con trở thành nỗi ám ảnh.

Chẳng biết từ bao giờ, những bà mẹ như mẹ lại lấy tiêu chuẩn về cân nặng ra để mang con đi so sánh.

Chẳng biết từ bao giờ, những bà mẹ như mẹ lại vô tình gây nên những áp lực đối với những người mang danh thầy cô để rồi họ trút những bực dọc lên chính thân thể bé nhỏ yếu ớt của các con!

Các con biết không! Không chỉ mẹ mà vô vàn những bà mẹ như mẹ khi xem được những tấm hình này đều đau đớn, giận dữ đến run người! Bản thân mẹ còn muốn ngay lập tức lao đến đó cho bà ta một trận nhừ tử thừa sống thiếu chết!

Nhưng, mẹ cũng biết, tội ác tày trời này vốn dĩ không phải tự nhiên mà sinh ra! Tội của một người nhưng là lỗi của cả xã hội, của cả hệ thống giáo dục trong nhà trường và gia đình. Lỗi của số đông những ông bố bà mẹ đang mất phương hướng trong việc chăm sóc, giáo dục con cái! Lỗi của những người cố dấn thân vào sự nghiệp giáo dục khi chưa đủ tiêu chuẩn về tài, về đức cốt chỉ để kiếm một công việc ổn định. Lỗi của những hoạch định, đường lối, chính sách còn loanh quanh theo kiểu cờ đến tay ai người ấy phất, mưa tới đâu mát mặt tới đó!

Phải biết đến bao giờ người ta mới thôi nhìn những đứa trẻ con nhà hàng xóm để so sánh với con nhà mình?

Phải biết đến bao giờ, người ta thực sự dành thời gian tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu một cách nghiêm túc trong việc mang thai - sinh đẻ - nuôi dưỡng - dạy dỗ một em bé?

Phải đến bao giờ người ta mới thực sự quan sát, lắng nghe và thấu hiểu những nhu cầu, sự biến đổi, phát triển trong từng giai đoạn đầu đời của con?

Phải biết đến bao giờ người ta mới dùng yêu thương để giáo dục con? Dùng đôi tai, đôi mắt và cái đầu để giao tiếp với con thay vì chỉ dùng lời nói? Nói không được thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay?

Biết đến bao giờ đây hỡi những ông bố bà mẹ?

Người ta chỉ dùng tới bạo lực khi muốn đàn áp, chứ không có bất kỳ một phương pháp giáo dục nào mang tên bạo lực cả!

Và các bạn, những người mang danh thầy cô giáo, những người đang hàng ngày nắm trong tay sinh mệnh, tâm hồn của hàng chục em bé! Các bạn lựa chọn nghề đó và có thực sự yêu nó không? Nghề giáo và đặc biệt là giáo dục mầm non nếu không có tâm, không đủ yêu nghề và YÊU TRẺ thì không bao giờ có thể đủ kiên nhẫn để làm được!

Tôi biết, những ngày một mình tôi vật lộn với 2 con, đủ để thấy nghề giáo viên mầm non cực nhọc đến thế nào. Bản thân mẹ tôi cũng là một cô giáo mầm non. Chính bởi vậy, tôi luôn nhìn những người đang hàng ngày làm công việc này bằng ánh mắt rất thiện cảm. Tôi đồng cảm với nỗi vất vả của họ nhưng không có nghĩa là cho phép họ có quyền trút giận lên con tôi, nhồi nhét chúng dã man hơn cả những người chăm sóc động vật tại vườn bách thú. Chỉ bởi vì chúng không có khả năng tự vệ! Nếu chúng có thể tự vệ như những loài thú dữ, hẳn những giáo viên như thế này đã chẳng giữ được tính mạng đợi đến ngày bị phát giác!

Dùng bạo lực sẽ chỉ nhận lại bạo lực mà thôi.

Người ta chỉ dùng tới bạo lực khi muốn đàn áp, chứ không có bất kỳ một phương pháp giáo dục nào mang tên bạo lực cả! Trong giáo dục, một khi đã dùng tới bạo lực, tới cưỡng ép và áp đặt, tức là bản thân người làm thầy đã thừa nhận mình quá kém cỏi và bất lực. Nhưng chẳng lẽ, họ chưa từng được học qua bộ môn tâm lý giáo dục? Chưa từng được học cách giải quyết những tình huống sơ đẳng như thế này sao?

Tôi thực sự quá thất vọng!

Và thực sự tôi đang rất lo sợ. Một nền giáo dục như thế này thì liệu trong tương lai sẽ đào tạo nên những con người như thế nào? Luôn luôn kích động, luôn luôn thích dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề hay những đứa trẻ to xác vượt chuẩn chiều cao cân nặng nhưng tâm hồn lúc nào cũng yếu ớt, mong manh, sợ sệt?

Chỉ còn duy nhất một cách thôi!

Chúng ta phải thay đổi!

Chúng ta phải cứu lấy con cái chúng ta. Cứu lấy những đứa trẻ tội nghiệp kia! Cứu lấy tương lai của đất nước này!

Hành động bạo lực phải bị lên án gay gắt, phải bị tẩy chay để bạo lực không còn chỗ trú ngụ trong môi trường giáo dục.

Nhưng điều quan trọng, mỗi ông bố bà mẹ nên bắt đầu sự thay đổi từ chính bản thân, từ chính trong căn bếp gia đình mình! Để chuyện ăn uống của con trẻ trở nên thật nhẹ nhàng, vui vẻ, hạnh phúc như nó vốn dĩ là thế!

Trong thời gian từ 6 - 12 tháng đầu đời, cha mẹ có thể sẽ là người quyết định cho con ăn gì, con sẽ quyết định ăn bao nhiêu. Nhưng trên 1 tuổi, nếu bé có nhu cầu và nếu cha mẹ có thể, hãy để bé được quyết định bé sẽ ăn gì và ăn bao nhiêu.

Đừng nấu mãi một món cháo rồi bắt con phải ăn khi nó đã quá ngán với mong mỏi con sẽ tăng cân! Đừng tập trung vào tăng cân, hãy tập trung vào đủ chất và đa dạng thực phẩm! Có những em bé tuy không bụ nhưng phát triển rất tốt nhờ ăn uống đủ chất và vẫn tồn tại không ít em bé rất bụ bẫm nhưng lại còi xương!

Tôi rất ấn tượng với cách giáo dục trẻ em của Nhật. Nhìn vào bữa ăn tiêu chuẩn của họ dường như lượng thức ăn rất ít nhưng loại thực phẩm lại đa dạng, bởi họ không quan trọng số lượng mà tập trung cho chất lượng. Mỗi gram thức ăn đều được tính toán rất khoa học sẽ cung cấp những dưỡng chất gì? Đủ để cơ thể hoạt động trong điều kiện nào và trong thời gian bao lâu? Bởi thế cho nên, bọn trẻ đều ăn ít nhưng phát triển rất cân đối và toàn diện.

Giáo dục mầm non của Nhật tập trung vào phát triển kỹ năng tự lập cho trẻ nên giáo viên của họ thường chỉ vất vả giai đoạn đầu. Giai đoạn sau, khi bọn trẻ đã vào khuôn khổ kỷ luật và có tính tự giác, tự lập cao, thì gần như rất nhàn!

Bên cạnh đó sự kết hợp và mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường và gia đình chính là điểm mấu chốt để họ đạt được những thành tựu tuyệt vời trong giáo dục. Con trẻ được học tính tự lập ngay tại gia đình nên khi đến trường, bọn trẻ sẽ có thêm nhiều thời gian để học những điều thú vị khác chứ không chỉ trầy trật với việc tập xúc ăn, tập đi tè, tập sắp xếp đồ đạc gọn gàng... Chính vì lẽ đó, giáo viên của họ thường rất giỏi về chuyên môn, cũng không phải chịu nhiều áp lực như giáo viên của ta. Không phải làm vô số những công việc không tên mà lương thì vẫn vậy!

Tại một số trường tư thục mà tôi biết, tôi vẫn hàng ngày bắt gặp cảnh giáo viên tập trung học sinh vào một bàn khoảng 6 bé rồi lần lượt xúc ăn quay vòng cho từng bé một. Bé nhà tôi từng theo học một trường tư thục gần nhà khi con bé đã biết tự xúc ăn. Nhưng sau 2 tuần theo học ở đó, chưa một lần nào tôi thấy cô giáo để con bé được tự xúc vì lo ngại thức ăn rơi rớt ra bàn sẽ phải dọn. Và thế là chính môi trường lớp học lại có nguy cơ biến con tôi thành một chú gà được nuôi theo phương pháp công nghiệp!

Không là gà công nghiệp sao được khi chỉ cần nhìn thấy thìa là nó tự động há mồm ra như một cái máy. Bọn trẻ cứ như những con robot và cô giáo như thể một kỹ sư công nghiệp đang cần mẫn bỏ than vào lò theo dây chuyền. Mỗi ngày đi học đối với con bé là cả một chuỗi phản ứng, đấu tranh tâm lý hết sức quyết liệt. Một lần nọ, nhìn qua camera, thấy cô giáo xách tay con tôi và gần như lẳng ra khỏi chiếu khi con bé vẫn còn đang ngái ngủ, tôi cho con bé nghỉ học.

Con tôi có thể không đi học chứ không thể đi học để rồi bị sang chấn tâm lý đến mức sợ hãi.

May mắn sao, ngôi trường hiện tại con bé đang theo học với những giáo viên rất có tâm với nghề đã giúp con bé lấy lại niềm vui và hứng khởi hàng ngày với việc đi học chứ nếu như gặp phải những giáo viên như người đàn bà ác độc kia, chắc có lẽ con bé sẽ chẳng bao giờ dám tới trường! Tuy nhiên, để phải dùng đến hai từ MAY MẮN, nghĩa là bản thân tôi đã xem việc chọn được cho con một môi trường giáo dục tốt cũng như đánh đề vậy!

Tôi cũng như nhiều người dân trên đất nước này, không biết cách giải bài toán của hệ thống giáo dục quốc gia nhưng lại luôn mong chờ những đáp án đúng! Như thể một người không biết nấu ăn nhưng luôn biết đánh giá món ăn ngon hay dở!

Tôi không biết rằng, những em bé kia sẽ cần bao nhiêu thời gian để quên được nỗi ám ảnh về bạo hành ăn uống trong tiềm thức của chúng. Nhưng tôi biết, những tổn thương trong tâm hồn chúng sẽ mãi là vết sẹo chẳng bao giờ có thể xóa mờ! Người ta chỉ có thể xóa sẹo trên thân thể, không thể xóa được sẹo trong tâm hồn!

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói thêm rằng: Cả cộng đồng sẽ thay đổi khi từng cá nhân thay đổi. Khi nào còn tồn tại những ông bố bà mẹ lấy cân nặng làm mục tiêu của giáo dục thì sẽ còn những giáo viên xem việc cưỡng ăn là phương pháp để đạt được mục tiêu đó! Khi nào còn tồn tại những ông bố bà mẹ phó mặc hoàn toàn việc nuôi dạy con cái cho nhà trường khi đó sẽ còn tồn tại những giáo viên luôn quá tải với núi công việc đổ lên đầu khiến họ không có đủ sức khỏe, sự minh mẫn và kiên nhẫn với học sinh.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Tác giả: KIM

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok