Đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử và văn hóa của thành phố Hải Phòng, ông Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội sử học thành phố Hải Phòng cho biết, chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống của người dân quận Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng).
Trâu chọi số 18 húc ông Đinh Xuân Hướng tử vong vào trưa ngày 1/7. |
Theo dân gian, đây không chỉ là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thủy thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng.
Về vụ việc trâu số 18 húc thiệt mạng chính chủ nhân của mình là điều đáng tiếc xảy ra mà thành phố Hải Phòng cần phải kiểm tra và rà soát lại cách tổ chức lễ hội này.
Ông Ngô Đăng Lợi chia sẻ: “Hội chọi trâu Đồ Sơn có từ ngàn đời nay, gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ thần Điểm Tước, một vị thần bảo hộ cho ngư dân. Tôi cũng là người được xem chọi trâu từ năm 1941 đến nay, trâu không bao giờ vướng gì với con người cả.
Hơn nữa người dân bỏ ra hàng trăm triệu mua một con trâu, mới xảy ra sự việc đã muốn xóa đi một lễ hội có từ hàng ngàn năm lịch sử thì là một việc làm rất vội vàng. Trách nhiệm ở đây thuộc UBND quận Đồ Sơn và UBND TP. Hải Phòng hiện nay trước mắt cần rút kinh nghiệm trước đã”.
Trái ngược lại với ý kiến của ông Lợi, ông Nguyễn Văn An, một khách du lịch đến từ Hà Nội tham gia lễ hội chọi trâu vừa qua chia sẻ, mặc dù đã được tham gia lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên và hội chém lợn ở Bắc Ninh, tuy nhiên đây là lần đầu tiên ông An được chứng kiến cảnh trâu chọi húc chính chủ nhân của mình.
Theo ông An, đặc điểm chung của lễ hội chọi trâu, đâm trâu và chém lợn là những hình ảnh bạo lực, máu me, phản cảm, những điều này cần phải được xóa bỏ trong xã hội Việt Nam hiện nay.
“Theo quan điểm của tôi chọi trâu rất nguy hiểm, nên bỏ phương thức chọi trâu hàng năm đi, bởi vì bây giờ mình không thể tìm được trâu thuần chủng như ngày trước” -ông Nguyễn Văn An nói.
Còn đối với chị Đàm Phương Anh sống tại Hải Phòng cho biết, không nên lấy sự việc vừa qua để đánh giá toàn bộ lễ hội. Quan trọng nhất là Ban tổ chức lễ hội liệu có làm đúng với trách nhiệm của mình và cách giải quyết của UBND TP. Hải Phòng liệu có thực sự có hợp lý.
Chị Đàm Phương Anh cho biết: “Vụ việc trâu số 18 húc làm tử vong người chủ làm sự việc rất đáng tiếc tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Tôi nghĩ rằng chọi trâu là lễ hội truyền thống của người dân vùng biển Đồ Sơn, nếu bỏ đi thì sẽ làm mất một nét văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên nếu duy trì Lễ hội chọi trâu hàng năm Hải Phòng nên có một công tác quản lý chặt chẽ hơn và đảm bảo an ninh hơn nữa”.
Ở một góc nhìn khác, Đại diện Ban tổ chức lễ hội chọi trâu cũng cho rằng, việc con trâu được thuần dưỡng đã lâu quay sang húc chủ của mình là điều không ai ngờ tới. Chủ trâu số 18 cũng nghĩ như vậy nên mới không phản ứng kịp khi bị trâu lao đến. Có thể nói đây là một sự cố bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát.
Trong sáng 2/7, đoàn công tác Bộ VHTT&DL đã có buổi làm việc với Ban ngành liên quan của thành phố Hải Phòng về việc khắc phục hậu quả sau vụ trâu chọi húc một người tử vong tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. |
Trong khi đó, trong buổi làm việc với các đơn vị liên quan sau vụ việc, Thứ trưởng Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đặt câu hỏi với BTC lễ hội Đồ Sơn, nếu lễ hội được tiếp tục tiến hành, liệu sự cố tương tự có còn xảy ra không?
Bà khẳng định điều quan trọng nhất trong việc tổ chức lễ hội là đảm bảo an ninh an toàn, đặt tính mạng con người lên trên hết. Việc Ban tổ chức có động thái chậm trong việc truy bắt con trâu ngay khi nó vừa gây án cũng được Thứ trưởng nêu ra.
Qua sự việc này có thể thấy, phong tục văn hóa có thể tồn tại hoặc mất đi khi nhận thức của con người trong cuộc sống thay đổi. Tuy nhiên cần phải tôn trọng văn hóa của các cộng đồng và thực sự cần hiểu rõ nguồn gốc ý nghĩa phong tục của địa phương trước khi đưa ra những chỉ chỏ, hiếu kỳ và làm hiểu sai ý nghĩa của lễ hội./.
Tác giả: Hải Bằng
Nguồn tin: Báo VOV