Phong cách sống tối giản - Minimalism không phải là lối sống tiêu chuẩn ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nó được rất nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây.
Đồ vật ảnh hưởng xấu: Vứt hết!
Người Nhật vốn đã biết đến phong cách sống tối giản với tên gọi “danshari”, có nghĩa “từ chối”, “vứt bỏ” và “tránh xa”.
“Với phong cách sống “danshari”, bạn cần xác định rõ những đồ vật nào ảnh hưởng xấu đến bạn và vứt chúng đi” - bà Yamashita (63 tuổi), người đưa ra ý tưởng về lối sống này vài năm trước, cho biết. Theo bà Yamashita, việc vứt bỏ những món đồ không cần thiết cũng giúp tâm hồn con người thanh thản hơn.
Một số phòng ngủ ở Nhật Bản đơn sơ đến nỗi không có giường. Hầu hết các đồ vật được đặt gọn gàng trong ngăn kéo. Mọi thứ được đặt lại đúng vị trí ngay sau khi sử dụng, điều này sẽ giúp bạn dễ tìm đồ vật hơn khi cần. Ở một số ngôi nhà, phòng khách chỉ có một chiếc bàn và một chiếc ghế. Mọi người trang trí nhà cửa bằng những đồ vật đơn giản nhưng đẹp mắt. Thường những người sống tối giản sẽ treo đồ vật trên móc để tiện lấy nhất.
Nhiều người Nhật sống cùng thời với bà Yamashita, được sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đều là những người thích cất giữ đồ vật và không muốn vứt bất cứ thứ gì đi phòng khi cần dùng đến nó. Theo bà Yamashita, đây chính là lý do khiến người Nhật hiện nay sống không mấy vui vẻ.
Lối sống tối giản bắt nguồn từ Mỹ, dù tại Mỹ định nghĩa tối giản có thể khác nhưng mục đích chính vẫn là vứt bỏ những đồ vật thừa thãi và cân nhắc lại những thứ thật sự có ý nghĩa để đạt được một thứ gì đó mới hơn.
Phong cách sống này cũng hoàn toàn tương phản với một xu hướng gần đây gọi là “hygge” - bí quyết hạnh phúc của người Đan Mạch. Theo phong cách “hygge”, người ta sẽ tạo ra một không gian ấm áp với thảm, nến và nhiều đồ vật khác đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu.
Một căn hộ với phong cách tối giản ở Fujisawa, phía Nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS |
Những căn hộ gần như trống rỗng
Cuốn sách về lối sống “danshari” của bà Yamashita đã nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản và khái niệm “danshari” hiện đã trở thành một động từ chỉ sự dọn dẹp. Khi muốn dọn nhà, người Nhật sẽ nói: “Nhà mình thật lộn xộn, cần phải danshari”.
Một ví dụ tiêu biểu cho lối sống này là ông Naoki Numahata (42 tuổi), sở hữu một căn hộ nhỏ gần như trống không ở Tokyo. Căn hộ của ông chỉ có một chiếc bàn nhỏ, một băng ghế cho hai người, không có quầy bếp, trong tủ bếp chỉ có ba đôi đũa, hai bộ đồ ăn cho trẻ con, một ổ bánh mì và một lọ mật ong để ăn sáng.
Theo ông Numahata, ở các nước phương Tây, một căn phòng trống sẽ được lấp đầy đồ vật để trông hoàn thiện hơn. Tại Nhật Bản, không gian để trống cho phép con người dùng trí tưởng tượng để lấp đầy chúng. Đây là một cách coi trọng những điều quan trọng hơn trong cuộc sống và loại bỏ những thứ ít quan trọng hơn.
Chuyên gia dọn dẹp người Nhật - cô Marie Kondo, người đã tạo ra KonMari - phương pháp xếp quần áo nhanh gọn, cũng rất hưởng ứng lối sống tối giản này. Trong căn hộ 22 m2 của cô chỉ có một chiếc bàn và một cái nệm.
Lấp đầy đồ đạc bằng… trí tưởng tượng
“Tôi trở thành một người sống tối giản để bản thân có thể tận hưởng những thứ mình thật sự yêu thích trong cuộc sống” - cô Marie Kondo nói. Theo cô Kondo, bạn chỉ nên để lại những món đồ mà mình thực sự thích xung quanh vì con người “tại một thời điểm chỉ yêu thích một vài thứ”.
Đây cũng là khái niệm “tokimeky”, trong tiếng Nhật có nghĩa “tạo ra niềm vui”. Khi dọn dẹp và vứt đi những món đồ không cần thiết, hãy tự hỏi bản thân rằng món đồ này “có mang đến niềm vui cho mình hay không?”.
Fumio Sasaki cũng là một trong những người Nhật quyết định theo đuổi lối sống tối giản. Bạn bè thường ví căn phòng của anh như phòng thẩm vấn. Trong tủ quần áo của anh chỉ có ba cái áo sơmi, bốn quần dài, bốn đôi tất. Sasaki từng là người chuyên sưu tập sách, CD và DVD. Nhưng sau hai năm sưu tập, anh cảm giác chán chường với xu hướng này. “Tôi luôn phải nghĩ tới việc tôi chưa có thứ gì hay đang thiếu thứ gì” - anh cho biết. Sau đó anh đã xử lý hết bộ sưu tập bằng cách bán lại và cho bạn bè.
Theo anh Sasaki, việc không phải tốn nhiều thời gian dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc giúp anh có thể tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống như gặp gỡ bạn bè và đi du lịch, giúp cuộc sống của anh trở nên năng động hơn nhiều.
Tối giản để thoát động đất
Theo Reuters, hiện có khoảng hàng ngàn người sống theo phong cách tối giản và rất nhiều người có hứng thú với lối sống này.
Nhiều người cho rằng sống tối giản là một lối sống vô cùng thực tế ở Nhật - đất nước thường xuyên hứng chịu động đất và sóng thần. Ở Nhật, việc cất giữ quá nhiều đồ đạc trong nhà sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi động đất xảy ra. Một vài nghiên cứu cho thấy nhiều thương vong trong động đất được gây ra do đồ vật rơi ngã.
Năm 2011, trận động đất 9 độ Richter và sóng thần đã cướp đi mạng sống của 20.000 người. “Có 30%-50% những tai nạn trong động đất xảy ra do đồ vật rơi ngã. Riêng trong một căn phòng tối giản, bạn không phải lo lắng về điều đó” - anh Sasaki cho biết. Và điều quan trọng hơn, sống tối giản sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền hơn vì không còn phải mua nhiều đồ chất đống trong nhà nữa.
Thương hiệu Muji nổi tiếng của Nhật Bản đã lên kế hoạch mở chuỗi khách sạn với phong cách tối giản tại Thâm Quyến, Bắc Kinh và Tokyo vào đầu năm 2019. Đây sẽ là loại hình khách sạn tối giản đầu tiên được phát triển ở Nhật Bản.
Ít đồ thì sẽ… muốn mời bạn đến nhà chơi
Một số nhà tâm lý học đã khuyến khích bệnh nhân thử áp dụng phong cách sống tối giản. Bà Yamashita cho biết sống tối giản cũng rất tốt trong việc thiết lập các mối quan hệ: “Một khi bạn vứt hết những đồ đạc bừa bộn, bạn sẽ muốn mời mọi người tới nhà chơi hơn”.
Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus, hai tác giả viết về lối sống tối giản, cho biết mục đích chính của việc sở hữu ít đồ vật hơn đó là giúp con người đạt được nhiều thứ hơn như đam mê, trải nghiệm và những mục tiêu cá nhân: “Cuộc sống hiện đại khiến mọi người có xu hướng lệ thuộc vào đồ vật, cho rằng một món đồ có rất nhiều ý nghĩa và thường quên đi sức khỏe, các mối quan hệ, đam mê và phát triển bản thân”.