Giáo dục

Tranh cãi xung quanh đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2019

Nhiều giáo viên, học sinh đánh giá đề thi Ngữ văn quá an toàn, trong khi không ít người cho rằng việc đưa tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" vào đề thi chưa hợp lý.

Kết thúc bài thi môn Ngữ văn, nhiều sĩ tử cho biết không tự tin với bài làm vì phần đọc hiểu "đọc không hiểu gì", trong khi câu 5 điểm đề cập tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - một trong "2 con sông" mà học trò sợ nhất.

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" có nên vào đề thi?

Độc giả Trần Triều cho rằng việc đưa tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" vào đề thi Văn THPT quốc gia 2019 là không phù hợp. Tác phẩm tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường có nhiều chi tiết phóng tác, phi logic. Đây là tác phẩm có chiếc vỏ lấp lánh, lung linh nhưng rất mơ hồ, không có nội dung ý nghĩa thực sự.

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" thuộc những tác phẩm "bàng bạc gì đó, hình như là gì đó, tưởng chừng như thế đó, có thể là cái gì đấy".

Tác giả tập hợp thật nhiều mỹ từ, lấp lánh, kiêu sa nhưng ý nghĩa lại không nhiều. Do đó, việc đưa tác phẩm này vào đề thi THPT quốc gia, theo anh Trần Triều, là không nên.

Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2019. Ảnh: Việt Linh.

"Chúng ta không nên bắt học sinh học và thi những tác phẩm như vậy, tội cho các em lắm. Học sinh cần được học những tác phẩm có văn phong hiện đại, nội dung rõ ràng. Thử hỏi, một người trưởng thành đọc 'Ai đã đặt tên cho dòng sông?' cũng chỉ thấy được bàng bạc gì đó, hình như có ý nghĩa gì đó thì học sinh 18 tuổi biết làm bài thi thế nào?", anh Trần Triều bình luận.

Độc giả này cho rằng nếu đưa vào đề thi theo cách "Anh/chị hãy phân tích những điểm chưa đạt của tác phẩm 'Ai đã đặt tên cho dòng sông?'" mới là đề hay.

Tương tự, thí sinh Nguyễn Thương (TP.HCM) nói: "Em đã mong chờ một đề thi sát với đề minh họa, khơi gợi được những cách đánh giá sâu sắc và phát hiện của học sinh. Mong câu nghị luận văn học có điều gì mới mẻ, độc đáo, có nhiều đất cho học sinh viết. Nhưng rồi lại phải chờ mong tiếp".

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cũng bày tỏ sự thất vọng với đề Ngữ văn năm nay.

"Nhiều học sinh, phụ huynh và xã hội kỳ vọng một đề thi mới mẻ hơn, yêu cầu học sinh thể hiện quan điểm 'đồng tình hay không' thay vì hỏi các biện pháp tu từ. Đề thi năm nay lại quá an toàn cho thí sinh trên cả nước, ở thành thị cũng như vùng sâu, xa", thầy Đức Anh nói.

Cô Vũ Thị Kim Hồng, giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ), cũng cho rằng với học sinh, "Ai đặt tên cho dòng sông?" là một bài khó.

"Đề thi yêu cầu có sáng tạo thì thực sự hơi khó, vì đây là kỳ thi chung cho học sinh cả nước xét tốt nghiệp THPT. Bài này gây khó cho học sinh vì ít ý", cô Hồng nhận xét.

"Đề đáp ứng yêu cầu của kỳ thi"

Ngược lại, thầy Vũ Nam Thái, giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), lại cho rằng "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường xứng đáng vào đề thi.

Theo thầy Thái, về cơ bản, nội dung đề ra thuộc kiến thức trọng tâm của lớp 12. Tuy nhiên, thể loại bút ký luôn đặt ra cho học sinh những thách thức không nhỏ trong việc tiếp cận và làm chủ văn bản.

Văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung viết về Huế không ít. "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" cho thấy một góc nhìn bao quát của Hoàng Phủ Ngọc Tường về mảnh đất mà ông gắn bó, thấu hiểu.

Câu nghị luận văn học 5 điểm, yêu cầu thí sinh phân tích hình ảnh sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?".

Theo quan điểm của thầy Thái, đây là tác phẩm hay, có chọn lọc và ngữ liệu trong đề thi vừa đủ, đánh giá được năng lực của học sinh cho cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, phần lớn học sinh sẽ giải quyết đề thi ở mức độ cơ bản nên dự đoán phổ điểm ở khoảng 5,5-6,5, hiếm bài đạt điểm 9.

"Bút ký không phải thể loại dễ nắm bắt, thuộc được dẫn chứng để phân tích đã là một trở ngại. Đó cũng chính là lý do mà tôi cho rằng việc người biên soạn đề thi giới hạn phạm vi phân tích và trích dẫn văn bản là một ưu điểm, phần nào giải quyết được những trở ngại nêu trên", giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu nhận xét.

Thầy Thái đánh giá Hoàng Phủ Ngọc Tường là người sở hữu lối viết tài hoa, hướng nội, tinh tế, tao nhã nên đây cũng là thách thức không nhỏ với việc cảm thụ. Nếu học tủ, học vẹt, khả năng lớn sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu đề bài.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, nói: "Học sinh bình thường cũng viết được nhưng chưa chắc là học sinh giỏi văn sẽ viết hay. Đề bài, ngoài vẻ đẹp của dòng sông, còn là những trải nghiệm thực tế đời sống nữa. Không có được giọng văn trải nghiệm, bài viết chỉ dừng ở mức khá thôi".

Tuy nhiên, thầy cũng cho biết tác phẩm này khiến nhiều học sinh sợ và cũng không "hợp khẩu vị" với giáo viên.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: "Tôi không chủ định dùng biện pháp tu từ"

Trao đổi với Zing.vn về bài thơ "Trước biển" được trích trong đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2019, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết ông có chút bất ngờ và vui mừng khi một đoạn thơ của mình được đưa vào đề thi.

Nhà thơ cho biết ông sáng tác bài "Trước biển" khi tham dự một cuộc họp ở biển Hòn Gai (Quảng Ninh), cách đây 50 năm. Thời điểm đó, ông không chú trọng các thủ pháp nghệ thuật khi sáng tác thơ.

“Như mọi người nói, tôi dùng phép lặp đi lặp lại, nhưng lúc đầu, tôi chỉ muốn nhấn mạnh vào tính chất của biển, hành trình khám phá biển cả rộng lớn, cũng giống như hành trình của đời người. Lúc sáng tác, cảm hứng kéo tôi đi, cứ thế viết rồi thành thơ, chứ tôi không chủ đích dùng thủ pháp nghệ thuật", tác giả bài thơ "Trước biển" chia sẻ.

Tác giả: Nhóm Phóng viên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok