Trong tin nhắn gửi về phụ huynh, ngoài thông báo mức điểm còn có thêm số điện thoại của trường để phụ huynh liên hệ khi cần thiết. Ngay sau thời điểm tin nhắn được chuyển đi, trên fanpage sinh viên trường này, có nhiều ý kiến khác nhau từ sinh viên. Một số sinh viên không tán đồng cho rằng cách làm của trường giống học phổ thông hơn là đại học.
“Trường như phổ thông thế, chả lẽ lớn đầu rồi còn bị gửi điểm về cho phụ huynh xem rồi lại buồn rầu. Có điểm thấp thì gọi phụ huynh lên làm việc thôi. Sao lại quan tâm quá như thế”, sinh viên K.D. nói.
Tin nhắn báo điểm của trường ĐH Tôn Đức Thắng gửi về cho phụ huynh (ảnh internet) |
Còn sinh viên T.M. ý kiến rằng: “Sinh viên đại học đã hơn 18 tuổi rồi thì tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, nhà trường không nên làm phiền đến ba mẹ của các bạn ấy. Cách làm này khiến sinh viên luôn cảm thấy cần sự bao bọc, giám sát của phụ huynh mà không tự giác học tập.”
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến ủng hộ việc nhắn tin này. Các sinh viên này cho biết đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía phụ huynh khi biết điểm con mình.
Sinh viên H.T. chia sẻ: “Trước khi có tin trường gửi điểm thì bảng điểm đã được mình chụp lại và gửi cho ba rồi. Ba nói con gái ba giỏi lắm”.
Tương tự, sinh viên V.T. cũng khoe rằng: “Tuy điểm mình báo về nhà thấp lè tè nhưng mà phụ huynh vẫn vui khi nhận được tin nhắn. Ba mẹ còn chọc là lo học hành đàng hoàng không mai mốt ra trường đi lượm ve chai”.
Một phụ huynh có con học tại trường thì ủng hộ việc gửi điểm của sinh viên cho phụ huynh. Vị này cho rằng, qua tin nhắn phụ huynh sẽ nắm bắt được quá trình học tập của con, từ đó có những điều chỉnh, động viên, chia sẻ kịp thời, dù con học tập xa nhà.
Theo phụ huynh này: “Việc trường nhắn tin không chỉ giúp gia đình theo dõi được việc học hành của con mà còn tạo ra sự tương tác, gắn bó giữa nhà trường và phụ huynh. Nhờ đó sẽ góp phần quan trọng trong việc quyết định sự thành công trong học tập của con”.
Một đại diện của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết trường đã thực hiện việc gửi kết quả học tập sinh viên về gia đình sổ liên lạc điện tử (tin nhắn) cách đây 4 năm chứ không phải chỉ bắt đầu từ năm nay. Trước đó 10 năm, các khoa đã gửi bảng điểm qua bưu điện về cho phụ huynh.
Phía nhà trường cho rằng sau nhiều năm thực hiện, trường thấy việc làm này mang lại hiệu quả. “Phụ huynh cho con đi học đều mong muốn biết tình hình học tập của con. Nhưng không phải sinh viên nào, nhất là sinh viên có kết quả học tập không tốt, cũng nói thật với cha mẹ. Với những sinh viên có vấn đề, nếu gia đình được thông báo sớm thì có thể phối hợp với nhà trường để chấn chỉnh kịp thời”, vị đại diện trường chia sẻ.
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí