Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Huy Lộc, Tổng biên tập báo Sinh viên Việt Nam xác nhận trang web của báo bị tấn công vào khoảng 10h30 đến 13h ngày 5/8. Trong thời gian này, truy cập đến website tại địa chỉ http://svvn.vn sẽ hiện ra giao diện do hacker thay đổi.
Giao diện của trang svvn.vn khi bị hacker tấn công, tương tự vụ Vietnam Airlines chiều 29/7.
Thời điểm bị tấn công, trang chủ của báo hiển thị các ngôn ngữ kích động và để lại thông tin rằng nhóm hacker 1937cn đã thực hiện vụ hack này. Giao diện svvn.vn bị thay đổi tương tự website của Vietnam Airlines bị tấn công chiều 29/7.
Theo ông Lộc, ngay khi phát hiện trang bị xâm nhập, đội ngũ quản trị website của báo đã tiến hành giải quyết, xóa bỏ các nội dung kích động. Hiện tại, trang đang được khôi phục từng phần và không bị mất dữ liệu.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm an ninh mạng quốc tế Athena, sau vụ Vietnam Airlines bị tấn công tình hình an ninh mạng tại Việt Nam diễn biến phức tạp hơn. "Trước đây, các website trong nước đã liên tục phải chống đỡ các vụ tấn công, lợi dụng thời điểm nhạy cảm này, nhiều tin tặc hoành hành nhằm lấy tiếng".
Chiều 29/7, bên cạnh website của hãng Hàng không Việt Nam bị hacker tấn công và phát tán thông tin của hơn 400.000 thành viên, tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các bảng điện tử và màn hình hiển thị thông tin chuyến bay cũng bất ngờ xuất hiện thông tin kích động, xuyên tạc tương tự. Thậm chí, loa phát thanh của sân bay Nội Bài còn bị chèn nội dung xấu.
Hiện tại, Vietnam Airlines thông báo hệ thống công nghệ thông tin chính của họ đã hoàn tất quá trình kiểm tra và trở lại hoạt động. Đối với khách hàng chương trình Bông Sen Vàng, Vietnam Airlines thông báo sẽ tạm ngừng các chức năng trực tuyến, tuy nhiên vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi của hội viên.
Tác giả bài viết: Đình Nam