Ông Phạm Trung Trường trong một trại chăn nuôi gà siêu trứng. Ảnh: Phạm Anh
Ông Phạm Trung Trường (ở vùng núi thôn Thọ An, xã Bình An, H.Bình Sơn) từng một thời ăn nên làm ra trong ngành xây dựng. Sau đó, ông dành vốn liếng và tâm huyết xây dựng trại nuôi rắn hổ mang, ba ba và cá. Khi rắn, cá, ba ba đẻ con, gầy dựng được hàng đàn, chuẩn bị ngày thu hoạch thì cơn bão số 9 ngày 29.9.2009 quét qua, nước lũ trong một đêm cuốn sạch công sức, tiền bạc của người cựu binh ấy.
Chứng kiến cảnh trang trại tan hoang, nhiều người đồ rằng ông Trường sẽ không thể gượng dậy. Ngay bản thân ông cũng rệu rã. Thế nhưng, thấy cảnh lao động là người địa phương thở vắn than dài, ông quyết tâm tìm cách gầy dựng lại sự nghiệp. “Mình đứng lên được là nhờ tinh thần của người lính được rèn trong quân ngũ thời chiến. Bởi sau bão dữ thiên tai là cơn bão lòng ùa đến: hàng chục lao động tại đây bơ vơ, không có việc làm”, ông Trường chia sẻ.
Qua các mối quan hệ, cuối cùng ông Trường tìm được một công ty chuyên đầu tư cho chăn nuôi gia súc và gia cầm. Tìm hiểu từ công ty này, ông Trường thấy họ đầu tư con giống và thức ăn, còn mình xây trại chăn nuôi và kỹ thuật, sau đó khi xuất bán sản phẩm thì công ty thu mua lại toàn bộ và ăn chia theo tỷ lệ phải chăng. Kinh nghiệm bao năm làm ăn, ông Trường thấy mô hình này làm ăn được nên xây hẳn trang trại chăn nuôi 30 ha. Vốn liếng lúc này không còn, ông Trường "cắm" nhà, đất cho ngân hàng, vay mượn những nguồn tin cậy rồi bắt tay vào làm.
Hồ cá bên trong trang trại đang được xây dựng
Lấy ngắn nuôi dài
Bắt tay vào xây dựng trang trại từ năm 2010, đến nay ông Trường có đến 8 trại chăn nuôi gà với 40.000 con gà đẻ trứng; trại nuôi heo với 2.700 con/lứa. Đi thăm trang trại chăn nuôi với màu xanh cây trái mênh mông này, chúng tôi chứng kiến mô hình chăn nuôi bài bản, có hệ thống nước tưới tiêu đảm bảo và hoàn toàn không nghe mùi hôi bốc lên như những trại chăn nuôi thông thường. Ông Trường nói, mỗi trại nuôi heo rộng trên 640 m2, còn trại nuôi gà trên 500 m2. Cứ mỗi trại nuôi gà, ông bố trí một lao động túc trực chăm sóc 24/24, thu lượm trứng hằng ngày. Ngoài ra, cứ hai trại gà là có một nhân viên kỹ thuật, thú y theo dõi. Đặc biệt, ông còn bắc hệ thống nước từ trên núi về hồ chứa nước với lượng nước đảm bảo chảy 300 m3/ngày, vừa để dự trữ nước vừa tạo mát cho trang trại.
Cứ thế suốt 6 năm qua, trang trại chăn nuôi của ông cựu chiến binh ngày càng lớn mạnh và hiệu quả. Ông Trường cho hay, đàn gà siêu trứng này mỗi ngày thu về 36.000 quả trứng gà, sau khi tính toán với công ty, trang trại hưởng lãi 150 đồng/trứng. Còn với 5 trại heo, sau 5 tháng nuôi thì xuất bán cho công ty, mỗi năm bán 2 lứa ông được chia khoảng 1 tỉ đồng. Sau chi phí trả công cho 100 lao động, mỗi năm trang trại chăn nuôi của ông Trường thu lời 300 - 350 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng 10.000 cây cau vừa tạo cảnh quan vừa cho thu nhập không nhỏ. Hiện tại có 6.000 cây cau đã cho quả và ông đang thăm dò đối tác để bán trực tiếp lượng cau trái trang trại chuẩn bị thu hoạch. Ấy là chưa kể thu nhập lớn từ nguồn phân gà: mỗi tháng thu 1.500 bao phân, xuất bán 40.000 đồng/bao cho các vùng Tây nguyên. Hiện ông Trường để dành riêng một khu trong trang trại để phơi và đóng bao loại phân này.
"Đến năm thứ 5 thì tiền xây trang trại đã hoàn vốn, nay là năm thứ 6 bắt đầu có dư", ông Trường nói. Tuy nhiên, trong ý tưởng của cựu chiến binh này, trại nuôi heo và gà chỉ là lấy ngắn nuôi dài. Đưa chúng tôi đi xem mấy héc ta nuôi cá, nơi đang xây dựng, chỗ đang trồng cỏ xung quanh bờ, dưới hồ thì xây nhà thủy tạ và các điểm câu cá, ông Trường “tiết lộ” mình đang xây trang trại chăn nuôi kết hợp với điểm vui chơi sinh thái và trong tương lai gần sẽ đưa vào hoạt động.
Tích cực giúp dân địa phương |
Tác giả bài viết: Phạm Anh