Kinh tế

Trắng đêm lênh đênh săn mực nhảy

Trải qua chuyến câu mực đêm cùng ngư dân làng biển Hải Phong (xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chúng tôi mới hiểu phần nào sự vất vả của nghề. Giữa biển cả bao la, tai được nghe chuyện vượt khó của ngư dân, mắt được thấy sự hồi sinh của biển sau sự cố ô nhiễm biển nghiêm trọng ở miền Trung. Sau thời gian dài gặp khó khăn, cuộc sống của ngư dân đang có những tín hiệu lạc quan trở lại.

Ngư dân ở làng biển Hải Phong sống bằng nghề câu “mực nhảy”.

“Phố biển” hối hả lên đèn


Làng biển Hải Phong nằm giữa cảng Vũng Áng và cảng than của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng kéo dài theo bờ biển khoảng 3km. Từ bao đời nay, người dân nơi đây nuôi sống gia đình bằng nghề khai thác hải sản. Biển Vũng Áng đã ưu đãi cho họ sản vật mực nhảy ngon hiếm nơi nào có được.

Khi màn đêm buông xuống, tàu câu mực đã ra cách bờ biển làng Hải Phong khoảng 8 hải lí. Trước mắt chúng tôi hiện ra một khung cảnh lạ mắt, đẹp đến khó tả. Ánh đèn điện từ các tàu câu mực chiếu sáng cả một vùng trời, khiến cho vùng biển chẳng khác gì một thành phố nổi về đêm. Tàu câu mực của ngư dân Lê Thanh Viết (ở thôn Hải Phong) có 3 người. Cả ba người đàn ông trên tàu là hàng xóm của nhau, cùng gắn bó với làng biển Hải Phong từ khi sinh ra cho đến giờ. Họ gọi nhau là anh em theo tuổi tác. Trong hành trình ra biển, mỗi người một việc. Anh Viết cùng anh Quang tranh thủ buộc thêm những lưỡi câu vào sợi cước dài. Còn người trẻ tuổi hơn là Trần Văn Lý điều khiển phương tiện.

Tàu chạy theo hướng Đông được khoảng một giờ đồng hồ, anh Viết tạm dừng công việc đang làm, ra hiệu để Lý tắt máy dừng tàu. Một cái máy nổ được khởi động, 4 bóng điện có công suất 1.500w bố trí xung quanh mạn tàu bật sáng. Ba người đàn ông đến chỗ boong tàu ra sức kéo cái gì đó rồi thả dần xuống biển. “Dù đấy chú, thả xuống giúp tàu giữ thăng bằng, hạn chế sóng biển đánh trôi tự do” - thấy tôi băn khoăn, anh Viết giải thích.

Sau thả dù, 3 ngư dân tiếp tục cho thêm một cái lồng được vây lưới xung quanh, có cửa hình vuông để sẵn. Cái lồng cứ nổi là là trên mặt nước theo từng con sóng. Đó chính là nơi sẽ nhốt những chú mực câu được để chúng không bị chết. Mọi công việc đã chuẩn bị xong, một đêm câu mực bắt đầu. Cả ba người đàn ông chẳng ai nói với ai câu gì, họ rải ra ngồi dọc mạn tàu hành nghề. Những cái lắc cần điệu nghệ vung cước gắn lưỡi câu đi xa 5-7m, lưỡi câu chìm dần xuống nước. Những ngư dân tay trái giữ chắc cuộn cước, tay phải nắm lấy cần cứ giật ngược liên hồi.

Ánh điện sáng thu hút đàn mực ống đến nhiều hơn, có khi chúng chao lượn lên sát mặt nước, mắt thường có thể nhìn được. Chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ, cả ba ngư dân đã thu về hơn khoảng 2kg mực tươi sống (mực nhảy). Anh Viết cho biết, ở thời điểm hiện tại, mỗi cân mực nhảy khi vào bờ được các chủ nhà hàng thu mua với giá dao động từ 300-350 nghìn đồng/kg. Trường hợp mực đã chết, ướp đá thì cũng bán được 180 nghìn đồng/kg. Nếu may mắn, có đêm tàu của anh mang về bờ từ 8-10kg mực nhảy, trừ chi phí mỗi thuyền viên cũng có 300-400 nghìn đồng bỏ túi.

Đêm nay biển lặng, dưới ánh đèn sáng rực, đàn mực vẫn kéo đến, thế nhưng việc đánh bắt không hiệu quả. “Mực nhiều nhưng lũ cá nóc phá quá, không tài nào câu được. Chắc ăn tối xong phải chuyển vị trí thôi” - anh Viết nói rồi chỉ tay về phía mặt nước. Mỗi khi mực đến cắn mồi, từng đàn cá nóc lại xuất hiện xua đuổi chúng để tranh ăn.

Vươn khơi bám biển làm giàu

Trước đây ngoài đi biển anh Viết còn giữ chức Trưởng thôn Hải Phong 1. Sau này vì hoàn cảnh gia đình, anh chuyên tâm với nghề đi biển, vợ ở nhà chăm con rồi ra chợ bán sản phẩm do chồng mang về từ những chuyến đánh bắt. Con tàu mà gia đình anh Viết đang sở hữu được mua lại từ tháng 5/2016, là một trong 2 con tàu lớn nhất ở làng biển Hải Phong. Trước đó, cũng như nhiều ngư dân địa phương, anh Viết làm nghề đánh bắt gần bờ, thu nhập rất bấp bênh.

Năm 2016, khi xảy ra sự cố môi trường biển, đời sống ngư dân nói chung và những người làm nghề lộng nói riêng gặp muôn vàn khó khăn. Trước tình hình đó, với số vốn ít ỏi, anh Viết vay mượn thêm người thân, bạn bè mua lại con tàu cũ có công suất lớn để vươn khơi. Chi phí mua tàu và ngư lưới cụ cũng ngót nghét 400 triệu đồng. Tàu của anh lấy nghề câu mực làm chính. Theo anh Viết, thời điểm biển miền Trung bị “vướng” sự cố môi trường, tàu của anh cùng ngư dân làng biển Hải Phòng đã vươn tới ngư trường vịnh Bắc bộ đánh bắt.
Bữa tối kết thúc, ba ngư dân ra mạn tàu kéo dù lên, nổ máy hành trình đến địa điểm đánh bắt mới. Tàu chạy thêm khoảng 15 phút, họ tắt máy tiếp tục hành nghề. Biển lặng, sóng êm, trời càng về khuya biển càng đẹp, ánh điện từ những tàu câu mực tỏa sáng cả vùng biển mênh mông. Chuyến câu mực đêm nay có vẻ như không may mắn với những ngư dân.

Mãi đến 1 giờ sáng, lượng mực thu về cũng chỉ khoảng 4-5kg, anh Viết quyết định cho tàu vào bờ sớm hơn thường lệ: “Biển thất thường thế đấy, có đêm được, đêm mất! Hôm nay lũ cá nóc phá quá, thường trước khi gió mùa về vẫn vậy. Ta về sớm để giữ tiền dầu cho những chuyến biển sau”.

Sau một giờ đồng hồ, tàu cũng cập bờ biển Hải Phong, ở đây không có cảng cá, tàu phải neo đậu ở ngoài xa. Mọi người lại xuống thúng chèo vào một quãng để lên bờ về nhà.

Rời làng biển Hải Phong trong sự tĩnh lặng của đêm, thấy yên bình đến lạ. Sau bao khó khăn, cuộc sống của ngư dân nơi đây đang dần trở lại bình thường. Giống như biển vậy, sau giông bão lại tĩnh lặng cho những con tàu ra khơi.

Tác giả: Nguyễn Viết Lam

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok