Giáo dục

Trăn trở con trai lớp 3 viết “khu phố dậy từ 5h sáng nhặt rác vì môi trường”

Chia sẻ câu chuyện về bài văn môi trường của con trai, Tiến sĩ Giáp Văn Dương đã nêu lên thực trạng dạy và học theo văn mẫu, dập khuôn, mất đi sự chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh hiện nay.

Gia đình và nhà trường ở đâu trong quá trình học của học sinh?

Phương pháp nào giúp các em, các thầy cô và các bậc phụ huynh áp dụng để học sinh có thể phát triển bản thân và thành công trong học tập? Các vị diễn giả đã có những chia sẻ, trao đổi về vấn đề này trong buổi tọa đàm “Học thế nào bây giờ” tại Hà Nội ngày 8/5.

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, Tiến sĩ Nguyễn Việt Huy và thầy giáo Nguyễn Quốc Vương cùng trao đổi với phụ huynh về định hướng học tập đúng đắn và phù hợp cho học sinh.

Bốn diễn giả khẳng định vai trò chủ chốt của nhà trường trong định hướng phương pháp học tập cho học sinh.

TS Giáp Văn Dương đã chia sẻ câu chuyện về chính cậu con trai học lớp 3 với bài văn về môi trường nhưng bắt buộc phải viết theo mẫu: “Dậy từ 5 giờ sáng, mọi người tập trung và đi nhặt rác cùng bác tổ trưởng dân phố. Mặc dù nhà con ở khu đô thị, không có bác tổ trưởng dân phố và con cũng không dậy từ 5 giờ để nhặt rác. Nhưng đó là mẫu và các con vẫn nghe theo, thậm chí là học thuộc”. Theo ông Dương, sự khuôn mẫu, gượng ép đó khiến con em học sinh mất đi sự chủ động, sáng tạo trong phát triển bản thân.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương trăn trở câu chuyện con trai viết bài văn môi trường theo sách mẫu.

Từng học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, các diễn giả đưa ra góc nhìn so sánh về những quan điểm/ phương pháp học của Việt Nam với các nước bạn.

“Học để làm gì?”,nhiều học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo vẫn chưa trả lời được xác đáng câu hỏi này. Theo các chuyên gia, khi chưa tìm được mục đích cuối cùng của việc học cùng với việc chưa có phương pháp học đúng đắn khiến học sinh chưa thể phát huy hết khả năng trong việc học và có được sự thành công.

TS Nguyễn Khánh Trung khẳng định: “Giáo viên hay phụ huynh phải thay đổi mình trước, để cho mình khoảng không tự do sáng tạo rồi mới thay đổi người khác”.

Còn TS Giáp Văn Dương khẳng định: “Chiến lược học tập đúng đắn nằm ở người lớn, ở nhà trường và gia đình chứ không phải từ các em nhỏ.” Gia đình và nhà trường đóng vai trò chủ chốt trong việc định hướng phương pháp học tập hiệu quả cho trẻ.

TS Nguyễn Khánh Trung chia sẻ câu chuyện về sự khác nhau giữa mong muốn của cha mẹ với các con ở Pháp và ở Việt Nam. Ông đã có sự khảo sát về vấn đề này khi học tập và nghiên cứu tại Pháp. Cụ thể, các bậc cha mẹ Việt Nam thường có định hướng nghiêng về bắt buộc con phải học cái gì, học như thế nào và đạt kết quả ra sao… Tuy nhiên, ở Pháp họ lại để con tự học, tự phát triển khả năng và sở thích của bản thân. “Họ mong con hạnh phúc hơn là giàu có” - TS Nguyễn Khánh Trung nói.

Đề cập đến phương pháp học, các vị diễn giả đồng tình cho rằng đọc sách và tự học là chìa khóa để các em học sinh phát triển bản thân và có được thành công trong học tập. Thầy Nguyễn Quốc Vương chia sẻ khoảng thời gian học ở Nhật, việc tự học là quan trọng nhất. Anh chỉ liệt kê những cuốn sách sinh viên cần đọc, sau đó trao đổi lại để rút ra những điều cần nhớ.

Tuy nhiên, theo nhận định của 4 diễn giả, sách giáo khoa hiện nay khiến trẻ không thể tự học. Và đó là trở ngại lớn trong quá trình học tập. Bởi vậy, một định hướng giáo dục đúng đắn, một phương pháp học hiệu quả phải đi từ phía gia đình và nhà trường.

Học lịch sử thế nào để hiệu quả?

Buổi tọa đàm diễn ra với sự trao đổi nhiệt tình từ phía những người tham gia và câu hỏi về phương pháp học lịch sử được đưa ra nhiều nhất. Đa số học sinh chưa tìm được phương pháp học Lịch sử hiệu quả cho bản thân khiến kết quả học tập chưa tốt. Một môn học mang ý nghĩa lớn nhưng chưa có lối đi phù hợp là nỗi băn khoăn lớn của phụ huynh, học sinh cũng như các thầy cô giáo.

Phụ huynh nhiệt tình trao đổi, đặt câu hỏi.

Trước những câu hỏi, những vấn đề băn khoăn của phụ huynh, thầy Nguyễn Quốc Vương - giáo viên môn Lịch sử trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta chỉ làm tốt những điều chúng ta thật sự thích và có ích cho mình. Vì vậy hãy khiến cho những đưa trẻ biết rằng học lịch sử có gì hay và có lợi ích lớn với chúng thế nào”. Đồng thời, anh khuyên các em học sinh học mọi lúc mọi nơi, vận dụng kiến thức vào thực tế để việc học không còn là áp lực, mà là sự yêu thích.

Thầy Vương cũng ví dụ về bài giảng về Lịch sử của anh. Anh không dạy lý thuyết đơn thuần mà chuẩn bị những bức ảnh từ nhỏ đến lớn của thầy và giới thiệu bản thân, từ đó học sinh tự rút ra kiến thức và thảo luận. Cách học và phương pháp học khác nhau sẽ đem đến những hiệu quả khác nhau. Nếu dạy và học sử trở nên hấp dẫn thì học sinh sẽ đạt kết quả tốt.

Kết thúc buổi tọa đàm, các vị diễn giả khẳng định gia đình và nhà trường là người định hướng chiến lược học tập cho học sinh. Và tự học là yếu tố quan trọng để trẻ phát triển bản thân và thành công trong học tập.

Tác giả: Phạm Ngoan

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok