Mới đây, trên mạng xã hội, một thầy dạy toán có tên N.T.Đ bị tố đã giúp học sinh của mình gian lận trong kỳ thi online nhằm khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức.
Thầy Đ là thầy giáo dạy toán online "đình đám" ở Hà Nội với gần 360.000 người theo dõi trên trang cá nhân.
Nội dung tố cáo cụ thể như sau: "Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức thi thử online ngày hôm qua. Trong thời gian thi, một thầy giáo đã cho trợ giảng của mình giải đề và lấy đáp án đăng lên facebook cho các bạn học sinh đang thi điền. Không xét đến tính chất của kì thi này vì đây là kỳ thi online nên buộc phải chấp nhận những tiêu cực đó nhưng xét trên phương diện một người thầy thì hành động tiếp tay cho học sinh gian lận trong thi cử là sai hoàn toàn.
Công bằng ở đâu cho những bạn học thật, thi thật nếu sáng thứ 2 đi học, kẻ gian lận được 10 điểm "vỗ mặt" những người cất công 90 phút ngồi làm bài. Ý nghĩa của kì thi lại bị chính những người được gọi là thầy mang ra để làm trò truyền thông cho với những con điểm ảo".
Thầy giáo N.T.Đ (SN 1993), giáo viên dạy Toán tại Hà Nội |
Trao đổi với VietNamNet, thầy N.T.Đ xác nhận, việc để trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho học sinh là có thật.
Tuy nhiên, theo thầy Đ, đây chỉ là kỳ thi thử online, thời gian bắt đầu từ 19h30 đến 22h ngày 29/5. Trong khoảng thời gian này, học sinh hoàn toàn có thể thoải mái trao đổi bài; nhiều giáo viên khác có thể kịp đăng tải đáp án lên sớm cho học trò và không khó để điền đúng 100%.
“Nếu là gian lận phải đem lại lợi ích gì về chuyện điểm số. Trong khi ở bài thi này, nhiều trường không hề lấy điểm. Điều quan trọng nhất là học sinh có thể tham khảo được dạng đề để luyện tập. Do đó, tôi thấy việc mình làm khá bình thường”, thầy Đ khẳng định.
Thầy Đ cũng cho rằng, việc làm của mình xuất phát từ mục đích tốt, còn đúng hay sai là do cách nhìn nhận của mỗi người.
"Đối với bản thân tôi, tôi làm thế vì nghĩ cho học trò và thậm chí còn thấy tốt cho học sinh của mình" - thầy Đ nói.
Một chiêu trò quảng cáo?
Vụ việc gây xôn xao và thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội.
“Hành động gian dối lại còn ngụy biện, như thế sao dạy được học trò? Người thầy mà chiều học trò thì sớm muộn cũng tạo ra những học trò hư. Tiên học lễ, hậu học văn. Dạy người rồi mới dạy chữ, nhưng thầy đang làm ngược lại rồi”, một người bình luận.
Một người khác bày tỏ quan điểm: “Tiêu cực một cách công khai lại mang danh giúp đỡ học trò như vậy thì thật nguy hiểm. Mong rằng qua sự việc này, thầy có thể suy nghĩ khác hơn, đặt mục tiêu dạy làm người cao hơn dạy tri thức”.
“Mục đích của kỳ thi đúng như tên gọi là nhằm khảo sát, đánh giá học sinh chứ không phải lấy điểm. Hành vi của thầy là đang tiếp tay cho sự gian lận. Học trò thì muốn điểm cao để khoe khoang với bạn bè, còn thầy muốn trò điểm cao để quảng cáo cho mình dạy giỏi, chẳng qua là bệnh thành tích ảo mà thôi”, một người khác bức xúc.
Ngày 29/5, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi online để khảo sát chất lượng học sinh lớp 12. Các em được làm bài kiểm tra tại nhà, ngoài giờ học trên lớp. Sở GD-ĐT không bắt buộc các đơn vị lấy điểm kiểm tra khảo sát mà tùy tình hình cụ thể, nhà trường có thể sử dụng kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên, nhưng không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ. Mục đích của khảo sát nhằm giúp giáo viên bộ môn nắm được những điểm còn hạn chế của học sinh và có các biện pháp bồi dưỡng kịp thời. Còn học sinh sẽ được cọ sát để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Theo dự kiến, kỳ khảo sát online sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 19-21/6 và 10-12/7/2020. |
Tác giả: Thúy Nga
Nguôn tin: Báo VietNamNet