Đầu năm 1968, khi cuộc chiến chống Mỹ của toàn quân và dân ta lên đến cao trào, lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường đánh giặc giải phóng miền Nam. Người thanh niên Cao Xuân Phượng chia tay với bạn bè người thân với quê hương xã Châu Quang (Quỳ Hợp) hòa vào đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Dẫu biết rằng phía trước là đạn bom là gian khổ hy sinh, nhưng cả thế hệ thanh niên ngày ấy suy nghỉ thật hào hùng trong sáng “ Làm trai khi đất nước có giặc thì phải đi đánh giặc”.
Mùa khô năm 1969 Cao Xuân Phượng có mặt ở chiến trường Quang Trị. “Dải đất hẹp mà chiến trường rộng thế”, từng ngày từng giờ nóng bỏng dữ dội nhất. “Nơi mũi lê gìm mũi lê nhọn hoắt /Phía này ngực phía bên kia cũng ngực/Thoáng run thôi là lê giặc ngập tim”. (Thơ Nguyễn Duy). Anh cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu bẻ gãy các cuộc hành quân của địch hòng lấn chiếm vùng giải phóng: Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa - Quảng Trị.
Sau chiến thắng đường 9 - Nam Lào năm 1971, Cao Xuân Phượng được cử đi học lớp chính trị dài hạn ( 1971 – 1974). Ra trường trở về đơn vị cũ anh được giao nhiệm vụ Chính trị viên đại đội 6 – sư 304, tham gia chiến dịch Thượng Đức - Quảng Đà rồi giải phóng Đà Nẵng...
Ngày 25 tháng 4 năm 1975 Cao Xuân Phượng cùng Đại đội trưởng Hoàng Cầu được triệu tập về sở chỉ huy trung đoàn 66. Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Sơn, Chính ủy Lê Xuân Lộc trực tiếp giao nhiệm vụ cho đại đội anh đi cùng đơn vị xe tăng lữ đoàn 203, do đồng chí Bùi Quang Thận đại đội trưởng, có nhiệm vụ thọc sâu đánh vào đại bản doanh chính quyền ngụy. Anh em xác định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng cũng vô cùng vinh dự. Đội hình biên chế cứ một tiểu đội bộ binh lên ngồi trên một xe tăng, hoặc M41 - Trực tiếp chỉ huy có Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ.
4 giờ sáng ngày 30 tháng 4 chúng tôi đến ngả ba Thủ Đức, gặp lực lượng địch chốt chặn ở trường sỹ quan Thủ Đức chống trả quyết liệt, nhưng cũng chỉ cậm cự được 20 phút là phải tháo chạy. 8 giờ sáng cùng ngày cả biên đội tiến qua cầu Rạch Chiếc, được lực lượng biệt động cùng phối hợp chiến đấu, đập tan cụm phòng ngự bộ binh, cơ giới của địch tiến thẳng vào nội đô. Khi đến cầu Thị Nghè đơn vị gặp lực lượng cảnh sát giả chiến của quân ngụy tử thủ chống trả quyết liệt. Lực lượng bộ binh được lệnh xuống xe triển khai chiến đấu tại chổ. Ta dùng DKZ, pháo 85 bắn thẳng, B40, B41cùng với pháo của xe tăng đồng loạt tấn công tiêu diệt các mục tiêu xe tăng, lô cốt giả chiến. Sau 1 giờ chiến đấu quân địch hoảng loạn kẻ đầu hàng, kẻ vứt súng tháo chạy. Quân ta thế mạnh như chẻ tre, được các đồng chí biệt động dẫn đường đại đội xe tăng do đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến thẳng vào dinh Độc lập, bắt toàn bộ ngụy quyền trung ương Sài Gòn, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh.
Đúng 11 giờ 30 phút cờ ngụy quyền Sài Gòn bị hạ xuống nằm sóng soài trên mặt đất; Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trên dinh Độc lập, dang rộng cánh giữa trời cao... Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử của dân tộc, đánh dấu mốc son chói lọi, truyền thống đánh giặc giữ nước của quân và dân ta. Cả nước tưng bừng đón chào chiến thắng giải phóng Sài Gòn, non sông quy về một mối...Trận đánh cuối cùng đối với Đại tá Cao Xuân Phượng thật đáng trân trọng tự hào, đã trở thành dấu ấn được khắc ghi vào máu thịt, trở thành ký ức không thể nào quên của đời lính chiến.
Suốt 33 năm một chặng đường dài, Đại tá Cao Xuân Phượng đã có mặt ở khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam từ Lào sang Campuchia cùng với 10 năm là chủ tịch Hội CCB huyện Quỳ Hợp. Cuộc đời ông là một tấm gương tiêu biểu, đúng nghĩa “Anh bộ đội cụ Hồ” đầy chất thép và lòng dũng cảm, đức hy sinh...cho đến hôm nay ông vẫn giữ nguyên những phẩm chất cao đẹp ấy. Những trải nghiệm cuộc đời, những thành công trong công tác và chiến đấu của Đại tá Cao Xuân Phượng đã được Đảng và nhà nước ghi nhận bằng 5 huân chương chiến công và nhiều bằng khen các loại. Hôn nay ở cái tuổi cận kề “thất thập” ông về sống với bà con xóm làng trong cảnh vui thú điền viên vườn trên ao dưới cùng con cháu thật thanh bình yên tĩnh. Âu cũng là tính cách của người lính đã qua một thời trận mạc.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nhi