Cách trung tâm thành phố chỉ vài cây số, nhưng bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh lại heo hút và vắng vẻ lạ kì. Nằm khuất sau những ngọn đồi, đây là nơi ít người qua lại. Đứng ở cổng nhìn vào, con đường rợp bóng cây cổ thụ, những dãy nhà cấp 4 nối nhau, không sát, nhà nào cửa cũng đóng im lìm.
Nơi hiu quạnh này là tổ ấm của khoảng chừng 85 bệnh nhân phong và cũng là nơi ở, nơi làm việc của cô y tá Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1957, quê Quế Võ, Bắc Ninh) trong suốt 30 năm qua.
Một buổi sáng chủ nhật, chị tìm lên trại phong Quả Cảm, thăm các bệnh nhân, trong đó có một cụ tên Tình. Chị xót xa khi thấy cụ nằm ở góc nhà, trên những tấm gỗ kê sát vào nhau, chăn màn đều cũ mủn hết cả. Tâm sự với chị, cụ chỉ có mong muốn duy nhất là được về nhà.
Một tuần sau chị Xuân lên thăm, cụ vừa mất. “Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một đám tang không môt mảnh khăn trắng, không một tiếng khóc than, chỉ toàn các cụ già đeo chân giả, lật đật chôn nhau” – giọng chị vẫn nghèn nghẹn khi kể lại, dù chuyện cũng đã qua vài chục năm.
Kể từ khoảnh khắc ấy, chị quyết định nghỉ hẳn việc ở trường mầm non, lên đây chăm sóc các cụ như một người y tá thực thụ, như một người con với trái tim đầy ắp tình thương.
Nguyện cả đời chăm sóc bệnh nhân
Cơm nước, giặt giũ, vệ sinh cá nhân, cõng bệnh nhân đi lại, không việc gì chị không làm. Sau thời gian làm quen, chị được Giám đốc bệnh viện cho đi học một lớp về nghiệp vụ và kiến thức ý tá. Định vào trại phong Di Linh để học, nhưng thật may được một người quen giới thiệu, chị biết đến trại phong Quy Hòa ở Quy Nhơn.
Khi biết chị tình nguyện đến trại phong làm việc, không ít người lời ra tiếng vào, cho rằng chị có mưu đồ hay tính toán lợi dụng gì đó nên mới vào đây. Nhưng thời gian và những việc làm của chị đã chứng minh cho tấm lòng thơm thảo.
Chị còn đi học dệt chiếu, về mở lớp học dệt chiếu, may vá cho con em bệnh nhân. Sau khi được thành nhân viên chính thức, chị xin với giám đốc bệnh viện đi học lớp làm chân giả, giày dép. Chứng kiến việc các cụ phải dùng những đôi chân giả được gò từ xô nhôm đến toác máu, chị không đành lòng. Từ ấy, chị được giao phụ trách phòng Phục hồi chức năng.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, chị còn chăm lo cả những việc rất “đời” như việc tổ chức tang lễ cho những bệnh nhân qua đời do tuổi cao sức yếu, thiết kế, xây dựng nhà ở hay cả việc mai mối tổ chức cưới hỏi, rồi mở lớp học cho con em bệnh nhân.
Đã có rất nhiều đôi nên vợ nên chồng, nên duyên dưới đôi tay của chị. Trong đó có bệnh nhân trẻ tuổi nhất ở đây là anh Lý Văn Sanh (sinh năm 1992, người dân tộc Thái, Sìn Hồ, Lai Châu), đã kết duyên với chị Hà (quê Phú Bình, Thái Nguyên), nay đã có bé gái 2 tuổi kháu khỉnh.
Hay gia đình chị Hường – anh Tư , cũng nhờ có chị Xuân mà nên duyên chồng vợ và có với nhau một con trai nay cũng được gần 3 tuổi.
Dù đã đến tuổi về hưu từ năm 2012, nhưng chị vẫn xin được tiếp tục gắn bó với trại phong, giúp đỡ các cụ đến khi nào không thể giúp được nữa. Bởi một lí do rất đơn giản, rất “người” – “Đã gắn bó 25 năm, bây giờ mà bắt xa các cụ thì thương các cụ lắm.”
Quả thật, khi được chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, chị say mê lắm. Chăm sóc những bệnh nhân nơi đây, từ rất lâu đã trở thành nếp sống như việc ăn cơm, uống nước của chị mỗi ngày.
Lòng tốt luôn được đèn đáp xứng đáng. Chị không cầu mong gì hơn ngoài sức khỏe, để chị có thể tiếp tục công việc này lâu dài hơn nữa. Và phải chăng, tấm lòng chị đã được Chúa chứng giám, dù đã 60 tuổi, chị không mấy khi đau ốm, bệnh tật. Vẫn đủ sức khỏe để làm việc cứu giúp những bệnh nhân nghèo.
Tác giả bài viết: Quỳnh Anh
Nguồn tin: