Du lịch

Trải nghiệm “lạnh gáy” ở những địa điểm kỳ bí nhất Việt Nam

Không cần tìm kiếm đâu xa, ngay ở Việt Nam cũng có vô vàn những địa điểm kỳ bí, đáng sợ. Trải qua dòng chảy của thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, lớp bụi phủ lên các công trình này ngày càng dày. Thế nhưng chính sự đổ nát, hoang tàn của chúng lại làm nên một vẻ đẹp hấp dẫn không ít khách du lịch.

Biệt thự, nhà thờ bỏ hoang ở Vườn quốc gia Ba Vì

Từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Ba Vì đã được người Pháp chọn làm nơi xây dựng khu nghỉ dưỡng và quân sự cấp cao dành cho binh sĩ. Hiện nay, nơi đây còn khá nhiều tàn tích của kiến trúc Pháp nhưng chỉ trơ lại khung với những mảng tường phủ đầy rêu xanh và rễ cây bám chằng chịt.

Khi bóng tối bao trùm khắp không gian, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác "rợn tóc gáy".(Ảnh: Internet)

Một trong những điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ là nhà thờ đổ Ba Vì. Bị bỏ hoang đã nhiều năm nên phần mái của nhà thờ không còn nữa, chỉ còn giáo đường âm u giữa cây lá um tùm. Màu xanh của rêu, màu xám của nấm mốc, màu bạc của sương mù tạo nên một không gian bí ẩn.

Với những người đam mê nhiếp ảnh, hội họa, nét kiến trúc Pháp mang đậm dấu ấn thời gian còn sót lại ở Ba Vì đã trở thành nguồn cảm hứng đầy sáng tạo.

Bể xương chùa Thầy

Ai từng đến thăm danh lam thắng cảnh chùa Thầy, hẳn không thể bỏ qua hang Cắc Cớ. Đây không chỉ là hang động cao nhất của núi Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội mà còn thu hút khách thập phương bởi màu sắc thần bí bao phủ hàng nghìn năm nay.

Câu chuyện thảm khốc được nhân dân quanh vùng lưu truyền rằng, nơi đây là mồ chôn của 3.600 nghĩa quân Lữ Gia thời kỳ chống Hán, cách nay tới hơn 2.000 năm. Nhưng rồi, cuộc chiến trứng chọi đá, nghĩa quân phải kéo hết vào hang trên núi Sài Sơn cố thủ. Quân giặc không truy kích được nên đã khiêng những tảng đá lớn bịt miệng hang, giết chết hàng ngàn nghĩa quân trong lòng núi.

Bể xương trong hang Cắc Cớ. (Ảnh: Internet)

Hơn 2.000 năm sau, vào năm 1933, nhà chùa cùng phật tử và nhân dân Sài Sơn đã phá cửa động, xây bể lớn, rồi tiến hành gom xương cốt khắp hang đổ vào bể.

Nhà tù Hỏa Lò

Theo bình chọn của kênh CNN, nhà tù Hỏa Lò đứng đầu Top 5 điểm đến ghê rợn nhất ở Đông Nam Á. Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng tại Hà Nội từ năm 1896 với mục đích giam giữ những người Việt Nam yêu nước chống chế độ thực dân.

Nhà tù Hỏa Lò nằm trên phố Hoả Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: duli)

Được ví như "địa ngục trần gian", nơi đây được thiết kế bao quanh là bức tường bằng đá, cốt thép cao 4m, dày 0,5m, được gia cố bởi hệ thống dây thép gai có dòng điện cao thế chạy qua, bốn góc là những tháp canh có khả năng quan sát nhất cử nhất động toàn bộ trại giam. Thiết kế ban đầu chỉ cho phép Hỏa Lò giam giữ khoảng 500 tù nhân, nhưng có giai đoạn nhà tù này giam giữ tới gần 2.000 tù binh.

Sau ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng, nhà tù Hỏa Lò được dùng để giam giữ phi công Mỹ. Nhiều tù binh Mỹ đã gọi nhà tù dã man này bằng cái tên “Khách sạn Hà Nội Hilton”. Hiện nay, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành một điểm du lịch tưởng niệm được du khách trong và ngoài nước yêu thích.

Nhà thờ đổ Nam Định

Nhà thờ đổ nằm ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định. Nơi đây được kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng năm 1943 nhưng bị bỏ hoang vào năm 1996.

Vẻ hoang tàn của nhà thờ. (Ảnh: hefang_ruan)

Kiến trúc của nhà thờ vốn được thiết kế rất công phu, đẹp mắt với cửa vòm mềm mại, cột trụ cao. Nhưng giờ đây, nhà thờ chỉ còn lại tường khung bên ngoài và nền móng hòa lẫn với cát biển. Các họa tiết bên trong đều đã bị phai mòn, gạch xây bị lộ rõ sau thời gian bị vỡ vữa. Cây cỏ, rêu phong mọc đầy trên những bức tường.

Công trình này cách thành phố Nam Định khoảng 40km (Ảnh: linhtran.95)

Đứng ở nơi này khi trời đã tối, phía trước mặt là biển cả rộng lớn mênh mông đen kịt, phía sau là một nhà thờ đổ nát tan hoang, bao trùm lấy du khách chính là cảm giác cô quạnh và rùng mình. Tuy nhiên, chính vẻ đẹp hoang tàn cổ kính này lại là điểm thu hút du khách tới bãi biển Hải Lý.

Công viên nước Hồ Thủy Tiên - Huế

Mặc dù có vị trí khá lí tưởng khi nằm ngay gần đồi Thiên An – một địa điểm du lịch nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng những ngôi chùa thanh tịnh rất hút khách, thế nhưng công viên nước Hồ Thuỷ Tiên lại bị bỏ hoang một cách đầy bí ẩn.

Nơi đây không khác gì một trường quay phim kinh dị. (Ảnh: minhnhat601)

Với số vốn đầu tư “khủng”, nhưng chỉ sau vài tháng mở cửa đón khách thì công viên đã dừng hoạt động. Thậm chí, địa danh này từng lên các mặt báo nước ngoài vì vẻ ngoài quá kinh dị. Bước vào bên trong, đủ mọi đồ vật trang trí có hình thù kỳ dị, những mảnh vỡ, đổ nát, rêu phong, thật sự dễ khiến ta "hết hồn".

Công viên thu hút nhiều bạn trẻ đến khám phá. (Ảnh: namthi.le)

Giờ đây, Hồ Thủy Tiên đã được “mở cửa” tự do cho những vị khách ưa mạo hiểm thoải mái khám phá. Đa phần khách du lịch tìm đến khu công viên nước bỏ hoang này chỉ để thử cảm giác mạo hiểm và không kém phần rùng rợn hệt như trong phim kinh dị chứ không phải để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc vốn đã bị lãng quên.

Lâu đài ma ở Long Hải - Vũng Tàu

Ai đi qua trục đường Dinh Cô (Long Hải ,Vũng Tàu) cũng xuýt xoa trước vẻ đẹp thơ mộng của tòa lâu đài, nhưng không tránh khỏi rùng mình vì sự âm u của nó. Nằm trên ngọn đồi có diện tích hơn 6000m2, toà lâu đài có đến hơn 100 cửa sổ, tất cả đều hướng ra phía biển.

Theo người dân kể lại, đây vốn là khu nghỉ dưỡng của thương nhân gốc Hoa Hui Bôn (tên Việt là Hứa Bổn Hòa, thường gọi chú Hỏa), là một thương gia giàu có nhất nhì vùng Sài Gòn - Chợ Lớn hàng trăm năm trước.

Lâu đài chú Hỏa. Ảnh: vietnamnet

Sau khi cất lâu đài này, chú Hỏa cho cô con gái đến ở. Một thời gian sau, cô bị bệnh phong cùi rồi mất. Cái chết của cô cùng cái chết bí ẩn của người làm ở đây khiến người ta sợ hãi trong một thời gian dài.

Đến 1972, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã mượn địa điểm này để thực hiện bộ phim “Con ma nhà họ Hứa”, xây dựng dựa trên chính câu chuyện rùng rợn được kể lại ở căn biệt thự này. Tiếp đó, năm 1986, một công ty du lịch tiếp nhận lâu đài để xây khách sạn, nhưng chẳng được bao lâu thì phá sản.

Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok