Thầy Trần Mạnh Tùng đã có bài viết gửi VnExpress với mong muốn xây dựng kỳ thi THPT quốc gia hiệu quả, tạo tác động tích cực đến việc học.
Không đủ thời gian để các trường chuẩn bị
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Nếu dự thảo được thông qua, chúng ta sẽ thấy học sinh phải học và ôn thi nhiều môn hơn. Toán là môn rất đặc thù, không nên mang ra so sánh với Lý hay Hóa, Sinh. Trong Toán có nhiều phần đồ sộ, như Đại số, Lượng giác, Giải tích, Hình giải tích, Hình không gian… Để ôn thi theo cấu trúc tự luận với ít nội dung hơn như những năm gần đây, học sinh đã rất vất vả.
Ví dụ, để tính được khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng trong hình học không gian, học sinh cần nắm được đầy đủ tính chất của quan hệ vuông góc. Với một học sinh yếu phần này, giáo viên có thể mất 2 tháng để hướng dẫn bởi Hình học có thời lượng 2 tiết/tuần. Nếu Bộ đổi hình thức thi là trắc nghiệm thì trong 9 tháng còn lại, các nhà trường sẽ căng như dây đàn mà hiệu quả rất khó đảm bảo.
Kết quả thi Toán đang ở mức đáng lo ngại
Theo kết quả khảo sát chất lượng học sinh toàn thành phố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (thi ngày 20/4/2016), có đến 5.000 học sinh bị điểm liệt trên tổng số khoảng 80.000. Trong đó, có trường gần 200 em bị điểm liệt môn Toán.
Đề thi không có lỗi với kết quả yếu kém như trên. Nguyên nhân là học sinh còn thiếu kỹ năng, mất căn bản. Không thể lấy thi trắc nghiệm để khắc phục điều này bởi cần thời gian, công sức, sự tỉ mỉ, thận trọng.
Tham khảo phổ điểm môn Toán 2 năm thi THPT quốc gia vừa qua:
Phổ điểm môn Toán năm 2015 với 40.000 điểm liệt.
Phổ điểm môn Toán năm 2016 với 15.000 thí sinh điểm liệt, nhiều điểm 2, 3, 4.
Học sinh khối 12 đang được học như thế nào?
Chương trình, sách giáo khoa Toán hiện tại không xây dựng cho kiểu thi trắc nghiệm. Nhiều năm nay, học sinh được dạy, học, thi theo lối tự luận. Bộ Giáo dục khẳng định "đề thi cơ bản, nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12", vậy hãy xem sách giáo khoa 12 có gì.
Bài tập chương 1, Sách giáo khoa Giải tích 12.
Với các bài tự luận trong chương 1, đây là các bài khó, dài. Học sinh làm được một bài rất chật vật, có khi mất cả tiếng.
Bài tập trắc nghiệm chương 2, Sách giáo khoa Giải tích 12.
Bài tập trắc nghiệm chương 2 có 13 bài thì một nửa số bài chỉ cần bấm máy tính là xong (các bài: 98, 99, 102, 103, 104, 106).
Bài tập trắc nghiệm chương 3, Sách giáo khoa Giải tích 12.
Với bài trắc nghiệm như trên thì chỉ cần bấm máy tính là xong. Bộ nói "đề bám sát chương trình sách giáo khoa" song nếu thiết kế theo hướng này thì không kiểm tra được trình độ của học sinh, các em không cần tư duy nhiều khi giải đề.
Hệ lụy của thi trắc nghiệm có thể thấy ngay lập tức
Mấy ngày hôm nay dù mới nghe thông tin phương thức thi thay đổi, Bộ chưa quyết định chính thức, nhưng học sinh đã phân tán tư tưởng. Nhiều em chỉ làm bài cho nhanh rồi ghi đáp số, giáo viên rất khó để hướng dẫn bài bản.
Có thể nói thi trắc nghiệm Toán sắp tới sẽ như một cơn lốc cuốn bay thành quả của nhiều thế hệ giáo viên. Tôi phải nhấn mạnh rằng chỉ cần thay đổi cách thi là toàn bộ cách dạy, cách học sẽ thay đổi theo. Ai không tin điều này thì chắc chắn là người ngoài cuộc.
Ngành giáo dục vẫn nói lấy học sinh làm trung tâm. Cuộc cách mạng thi cử đã trực tiếp lắng nghe ý kiến học sinh hay chưa? Giáo viên là người trực tiếp dạy học, trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng của học sinh mình dạy, biết rõ về những tác động khi có sự thay đổi thì hoàn toàn bị động.
Chất lượng nguồn đề sắp tới ra sao?
Kỳ thi tới, Bộ Giáo dục cho biết sẽ chủ yếu sử dụng nguồn đề từ ngân hàng câu hỏi của Đại học Quốc gia Hà Nội. Mấy năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính, dùng đề do trường tự chuẩn bị. Trường không hề công bố đề thi, đáp án ngay cả khi đã thi xong hoàn toàn. Tại sao vậy? Dư luận có quyền hoài nghi về chất lượng nguồn đề này khi không có sự thẩm định chính thức.
Bộ đề trắc nghiệm có nhiều câu, đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe. Đề thi của Bộ Giáo dục có ảnh hưởng đến hơn một triệu thí sinh trong một năm. Đề thi tác động ngược lại đến quá trình dạy và học một cách rất mạnh mẽ. Vì vậy, công tác làm đề thi không thể bị xem nhẹ.
Ai sẽ là người thẩm định? Nếu có sai sót thì ai là người chịu trách nhiệm?
Tác giả bài viết: Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội