Men theo con đường nhỏ, quanh co dọc chân núi, chúng tôi tìm đến nhà cô giáo Nguyễn Thị Vỹ, ở xóm 7, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong số hàng trăm giáo viên mầm non về hưu của tỉnh Nghệ An rơi vào cảnh khốn khó do đồng lương hưu bèo bọt.
Vật lộn mưu sinh
Cô Vỹ cho biết năm 1980, lúc tròn 18 tuổi, cô bắt đầu đi dạy mầm non ở huyện miền núi Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Đến năm 1984, cô chuyển về trường mần non xã Nam Xuân. "Những năm đầu đi dạy đâu có lương bổng gì mà chủ yếu được xã trả công bằng lúa. Khó khăn, vất vả lắm nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ nghề" - cô Vỹ nhớ lại.
Nhưng quãng thời gian dài cống hiến này đã để lại những hệ lụy mà cô Vỹ không lường trước được. Cô bộc bạch: "Hồi đó có biết bảo hiểm là thế nào đâu, mãi sau này chị em giáo viên nhận thông báo truy đóng BHXH cho quãng thời gian từ năm 1995-2004. Tôi phải bán một đôi hoa tai, 2 con lợn, mượn thêm người thân mới đủ nộp số tiền truy thu 2.670.000 đồng. Dù khó khăn nhưng tôi và các cô giáo trong trường rất vui khi nghe nói sau này sẽ có lương hưu, được an nhàn tuổi già. Tôi cũng nghe sau này được tính lương hưu theo những năm làm việc cuối nên cố gắng làm việc để có thâm niên, vào biên chế. Nhờ phấn đấu tôi được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, được vào biên chế".
Với mức lương hưu chỉ hơn 1,3 triệu đồng/tháng, đời sống của cô Nguyễn Thị Vỹ hiện rất khó khănẢnh: Đức Ngọc |
Sau 37 năm đi dạy, hơn 22 năm đóng bảo hiểm, đến ngày 1-6-2017, cô Nguyễn Thị Vỹ được nghỉ hưu theo chế độ. Thế nhưng lúc cầm quyết định chi trả chế độ hưu trí do cơ quan BHXH cấp, cô Vỹ không tin vào mắt mình. "Tôi thật sự sốc khi biết sau bao nhiêu năm làm việc, mình chỉ nhận được 1,3 triệu đồng/tháng. Trước khi về hưu, lương của tôi là trên 6 triệu đồng/tháng nên không nghĩ lúc nghỉ hưu lại nhận số tiền thấp đến vậy. Nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được, lo lắng vì biết lấy gì trang trải cuộc sống" - cô Vỹ bày tỏ.
Hoàn cảnh gia đình cô Vỹ hiện nay rất khó khăn, chồng không có việc làm, đau ốm thường xuyên. Ông Nguyễn Tường Thịnh (chồng cô giáo Vỹ) cám cảnh: "Từ ngày về hưu, sức khỏe bà ấy giảm sút hẳn. Ngày nào bà ấy cũng phải đi bộ vào núi cắt cỏ cho bò ăn, đầu tắt mặt tối lo toan mọi chuyện. Nhìn cảnh vợ cả đời đi dạy, về hưu vẫn phải lam lũ tôi rất thương nhưng vì mình sức khỏe yếu cũng không giúp được gì nhiều".
Bạc bẽo lúc về già
Điểm Trường Mầm non Triều Thủy thuộc Trường Mầm non xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế nép mình bên phá Tam Giang yên bình. Chúng tôi tìm đến điểm trường khi các trẻ mầm non đang say giấc ngủ trưa sau bữa ăn bán trú. Ở căn nhà bếp của trường, cô Trần Thị Hà Lang (SN 1961) tranh thủ lau chùi chén bát. Cô xin về đây dạy sau khi nghỉ hưu.
Cô Lang kể lại chặng đường mình gắn bó với nghề giáo với ánh mắt đượm buồn. Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, cố gắng học hành mãi cũng chỉ tốt nghiệp cấp 2 vào thời điểm quê hương còn khó khăn, kinh tế còn bao cấp. Năm 1981, cô Lang xin vào dạy trẻ mầm non tại nơi mình sinh sống là thôn An Truyền, xã Phú An.
Sau khi nghỉ hưu, cô Trần Thị Hà Lang tiếp tục xin vào làm cấp dưỡng cho điểm trường mầm non Ảnh: Quang Nhật |
Đã 37 năm trôi qua nhưng cô Lang vẫn không quên những ngày tháng gian khó của nghề. Đó là thời điểm bao cấp, cô trò dạy học trong những căn nhà xập xệ, tiền công được trả cậy nhờ vào mùa vụ, từ cân sắn, hạt ngô, lon gạo... do các xã viên hợp tác xã làm ra. "Dạy được ít năm tôi lập gia đình, cuộc sống lúc đó càng khó khăn hơn bởi còn nuôi con nhỏ. Biết là cái nghiệp này khổ nhưng tôi vẫn yêu nghề, gắn bó với ước mơ giữ được một nghề để sau này, khi tuổi già có đồng lương hưu cậy nhờ" - cô Lang tâm sự.
Chồng cô Lang là bộ đội tham gia chiến trường Campuchia xuất ngũ về quê sống nhờ ruộng vườn, cuộc sống gia đình chẳng lấy làm khấm khá nhưng cô Lang vẫn chưa bao giờ có ý định bỏ nghề.
Không những thế, biết mình trình độ còn thấp, sau khi học bổ túc văn hóa, năm 2006 cô Lang đi học trung cấp và tiếp tục liên thông qua cao đẳng hệ mầm non sau khi được đưa vào biên chế ngành giáo dục tháng 6-2012. Cô chia sẻ: "Trước khi vào biên chế, tôi chỉ được 1,3 triệu đồng/tháng gồm tiền lương và các khoản phụ cấp cộng lại. Vào biên chế bậc 2 hệ trung cấp, sau đó là cao đẳng thì mỗi tháng được 5,5 triệu đồng, cuộc sống gia đình cũng tạm ổn".
Nhưng rồi niềm vui khi được trả công xứng đáng của cô giáo Lang chẳng kéo dài được bao lâu. Tháng 1-2017, cô nhận được quyết định nghỉ hưu sau 36 năm công tác. Ngày hai vợ chồng chở nhau xuống BHXH huyện Phú Vang để nhận quyết định hưu trí, trong thâm tâm ai cũng vui mừng... Nhưng vui chưa tày gang là nỗi thất vọng tràn trề khi vợ chồng cô giáo già được thông báo lương hưu thực lãnh chỉ vỏn vẹn 1.201.000 đồng/tháng. Qua tìm hiểu cô Lang mới biết do quãng thời gian làm việc hưởng lương bằng… khoai sắn, cộng với cách tính lương bất hợp lý đối với gần 10 năm truy đóng BHXH đã khiến lương hưu thấp tệ.
"Dân làng An Truyền hiếm người làm việc có lương hưu nên ai cũng tò mò, gặp đâu cũng hỏi tôi nhận lương hưu được bao nhiêu? Tôi chỉ bảo đủ sống rồi quay lưng giấu nước mắt. Tôi đã khóc rất nhiều vì 36 năm gắn bó với nghề giáo cao quý nhưng quá bạc bẽo khi về già" - cô giáo Lang chua xót.
Không mong về hưu Mức lương hưu thấp không những khiến các cô giáo mầm non đã về hưu sốc mà ngay những người đang đi dạy hoang mang, lo lắng. Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Trường Mầm non Nam Xuân (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), bày tỏ: "Tôi đi dạy trên 35 năm rồi, cũng sẽ đến ngày nhận lương hưu 1,3 triệu đồng. Mỗi lần nghĩ đến cảnh về hưu là lại thấy lo. Mong sao sắp tới nhà nước quan tâm đến chế độ của giáo viên mầm non lúc về hưu, cứ như thế này chúng tôi thiệt thòi quá". |
Tác giả: ĐỨC NGỌC - QUANG NHẬT
Nguồn tin: Báo Người lao động