UBND TP.HCM vừa trình HĐND chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Dự kiến công trình này sẽ sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng. Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng, trong đó khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ.
Trao đổi với Đất Việt, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM bày tỏ băn khoăn, liệu đã đến thời điểm xây dựng công trình này hay chưa?
Chia sẻ với mong muốn của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật muốn phát triển loại hình nghệ thuật đỉnh cao, có thể sánh vai cùng các cường quốc văn hóa trên thế giới, TS.KTS Võ Kim Cương cũng đặt vấn đề: kinh tế và văn hóa phải đi song song, hỗ trợ nhau nhưng hiện nay kinh tế của TP.HCM chưa bền vững, văn hóa bác học không mang tính đại chúng, nhu cầu của công chúng về loại hình nghệ thuật nói trên vẫn còn hạn chế.
Hầu hết chương trình nghệ thuật nhạc giao hưởng hiện nay đều được biểu diễn tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1, TP.HCM) |
"Nhạc giao hưởng, nhạc kịch đỉnh cao rất phát triển ở châu Âu và các quốc gia phát triển trên thế giới nhưng người Việt chưa có thói quen, mức độ thưởng thức loại hình này còn ít. Xây nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch liệu có bao nhiêu người nghe, bao nhiêu người thưởng thức loại hình nghệ thuật bác học đó?
TP.HCM dự kiến sẽ xây nhà hát ở quận 2, giới trí thức nhiều có thể có nhu cầu thưởng thức. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn tính bây giờ tôi e hơi sớm", ông Cương bày tỏ.
Bên cạnh đó, TP.HCM đang chịu sức ép về vốn, nhiều công trình chống ngập, metro chậm tiến độ, nhiều dự án chỉnh trang đô thị chưa thể triển khai vì thiếu vốn.
"Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế, đang có nhiều thứ khó khăn, quá tải cần phải ưu tiên hơn như bệnh viện, giao thông..., liệu lúc này có phải là lúc ưu tiên làm nhà hát hay không?
TP.HCM có nhiều nhà hát, liệu chúng có sáng đèn hàng đêm, đã hoạt động hết công suất và hiệu quả? Nhà hát mới xây lên liệu có thoát tình trạng ấy?
Chừng nào các nhà hát của TP còn khai thác được, còn chỗ trống và chưa khai thác hết công suất thì vẫn nên tận dụng chúng. Đến lúc dự báo sẽ xảy ra tình trạng quá tải trong nhà hát, không đủ chỗ cho người xem, giống như kẹt xe trên đường, thấy được tính khẩn cấp thì hãy tính tới xây nhà hát mới.
Tất nhiên, nếu TP đủ sức làm được để kích thích phát triển văn hóa, nghệ thuật, phát triển tri thức, có một nhà hát lộng lẫy, hoành tráng cũng là điều tốt nhưng cũng chỉ nên ở mức độ nào đó. Bây giờ nhu cầu người dân đối với loại hình nghệ thuật bác học chưa phải là nhiều, bỏ hơn 1.500 tỷ đầu tư xây nhà hát rồi lại đắp chiếu thì rất uổng", nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM trăn trở.
Một điều khác khiến TS.KTS Võ Kim Cương băn khoăn là nguồn vốn thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Dự kiến, sẽ sử dụng ngân sách thành phố để xây dựng công trình này. Tuy nhiên, ông Cương cho rằng, đối với những công trình dân sinh, văn hóa nên sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.
"Vừa rồi, TP.HCM định đập bỏ dinh thự gần 160 năm tuổi mà người Sài Gòn xưa và nay vẫn gọi là Dinh Thượng thơ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND-UBND TP.HCM. Dự kiến, nguồn vốn để xây trung tâm hành chính mới là nguồn vốn xã hội hóa, tôi phản đối điều này.
Vốn xã hội hóa để làm công trình phục vụ cơ quan quyền lực có nguy cơ thiếu trong sạch. Nhưng nếu vốn xã hội hóa phục vụ công trình dân sinh, văn hóa thì rất tốt và nên khuyến khích", TS.KTS Võ Kim Cương nói.
Tác giả: Thành Luân
Nguồn tin: Báo Đất việt