Thịt heo đông lạnh được bày bán các siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM - Ảnh: T.L |
Ngày 22-7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí của Sở Công thương TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP.HCM - cho biết TP.HCM đã có các biện pháp khác nhau giảm phụ thuộc vào nguồn thịt heo trong nước như tăng thịt heo nhập khẩu, doanh nghiệp tổ chức dự trữ hoặc tìm nguồn cung sản phẩm thay thế.
Các biện pháp này nhằm đối phó với tình trạng giá thịt heo có thể tăng mạnh trong các tháng cuối năm.
Trong khi dự trữ thịt heo khó khả thi cho chi phí tăng cao, nguồn cung sản phẩm thay thế cần có thời gian điều chỉnh, thích nghi thì phương án thịt heo nhập khẩu được các doanh nghiệp chú ý nhất.
Theo thống kê của Cục Hải quan TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, TP.HCM đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt heo, tăng về lượng gần 4.800 tấn, tăng về kim ngạch gần 8,1 triệu USD so với 6 tháng đầu năm 2018.
Trong đó, các doanh nghiệp đang nhập khẩu nhiều nhất từ Brazil với 2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD, Hoa Kỳ 874 tấn với kim ngạch 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn với kim ngạch 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn với kim ngạch 620 ngàn USD; Hà Lan 210 tấn với kim ngạch 431 ngàn USD.
Theo đánh giá của Sở Công thương, lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt heo nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá heo hơi trong nước. Ngoài ra, thị trường thịt heo trong nước có sự liên thông nhất định với thị trường nước ngoài, từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt heo từ quốc gia Nam Mỹ nên lượng heo nhập từ Brazil tăng.
Hầu hết các doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm như làm giò, chả, xúc xích…chứ ít bán lẻ ra thị trường do không phù hợp thị hiếu, nếu có chủ yếu là thịt heo đặc sản hoặc thịt heo cao cấp.
Theo ông Phương, do tập quán, người tiêu dùng chưa mặn mà với thịt nhập khẩu; tuy nhiên, thông qua kênh phân phối hiện đại, đang chiếm 25% thị trường bán lẻ, tiêu thụ thịt heo đông lạnh dễ dàng được chấp nhận hơn.
Tác giả: N.BÌNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ