Hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh cấp tiểu học năm học 2017-2018 của Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra những quy định chặt chẽ đối với giáo viên bản ngữ.
Theo đó, giáo viên bản ngữ không sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video... trong giờ dạy để học sinh có cơ hội tương tác, thực hành tiếng với giáo viên bản ngữ.
Giáo viên bản ngữ chỉ được dạy bổ trợ những tài liệu được Sở cho phép sử dụng, tuyệt đối không dạy những tài liệu chưa được Bộ GD-ĐT và Sở thẩm định hoặc cho phép.
Giáo viên Philippines trong đợt thi tuyển sang Việt Nam dạy học. (Ảnh: Hoài Nam) |
Ngành giáo dục TPHCM cũng nhấn mạnh, giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt và tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh cho học sinh.
Trong suốt giờ dạy của giáo viên bản ngữ phải có giáo viên tiếng Anh phụ trách lớp tham gia cùng thực hiện nhằm phát huy tối đa việc học với giáo viên bản ngữ. Giáo viên người Việt cũng không phiên dịch tiếng Anh sang tiếng Việt cho trẻ.
Giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy với giáo viên tiếng Anh tiểu học từ 1 đến 2 tiết/tuần cho các chương trình tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh đề án, tiếng Anh tăng cường và dạy theo tài liệu đang sử dụng tại trường.
Việc dự giờ, thăm lớp được thực hiện với tất cả giáo viên dạy tiếng Anh trong nhà trường, kể cả giáo viên tiếng Anh tích hợp, giáo viên bản ngữ và giáo viên của các phần mềm bổ trợ.
Giáo viên bản ngữ cũng cần tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt của nhà trường ngoài giờ giảng dạy theo yêu cầu của hiệu trưởng.
Đối với các trường, dùng kinh phí xã hội hóa trong việc chi trả cho giáo viên bản ngữ/phần mềm bổ trợ với sự đồng thuận/tự nguyện của học sinh. Cần đa dạng hóa các phần mềm bổ trợ, không ưu tiên một phần mềm bổ trợ nào để dạy hết các chương trình tiếng Anh trong nhà trường.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí