Các thành viên trong Đội Quản lý trật tự du lịch số 4 đang trao đổi công việc. |
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, TP Sầm Sơn đón được khoảng 3,2 triệu lượt khách đến tham quan, tắm biển, đạt 65,5% kế hoạch đặt ra trong năm; tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với lượng du khách lớn, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, dịp lễ hội của những tháng hè cao điểm, mật độ khách đổ về các bãi tắm tăng đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.
Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển và nghỉ dưỡng cũng như xây dựng một môi trường du lịch văn minh, thân thiện, ngay từ đầu mùa hè, TP Sầm Sơn đã triển khai nhiều biện pháp quản lý trật tự du lịch cũng như đưa ra các phương án hoạt động công tác cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu.
Theo đó, thành phố đã thành lập ra 5 đội quản lý trật tự du lịch với 89 thành viên. Trong quá trình hoạt động, các đội phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị, cơ quan chức năng như: Lực lượng công an thành phố, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị, Đội Quản lý thị trường số 2..., hoạt động 24/24h nhằm trực tiếp quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ, dẹp bỏ tình trạng “chặt chém”, ép khách, ép giá; quản lý vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, bán rong, ăn xin gây phiền nhiễu cho du khách; hỗ trợ chính quyền thành phố tổ chức thành công các lễ hội du lịch...
Có mặt tại Sầm Sơn vào lúc tờ mờ sáng, chúng tôi cảm nhận được sự tâm huyết, trách nhiệm của những thành viên trong các đội trật tự du lịch. Ngay từ 4 giờ, các đội viên trong đội quản lý trật tự du lịch số 4 đã có mặt ở khu vực neo đậu bè, mủng để làm công tác an ninh, ngăn chặn tình trạng kinh doanh, buôn bán lộn xộn. Khu vực này từ lâu là nơi để những phương tiện đánh bắt hải sản của người dân địa phương neo đậu và chuyển hàng cho các thương lái.
Nhưng thời gian gần đây, do nhận thấy nhiều du khách đến đây tham quan và mua hải sản nên nhiều người đã trục lợi bất chính bằng cách mang các loại hải sản kém chất lượng từ nơi khác trà trộn vào để bán cho du khách khiến cho nhiều người bức xúc và mất lòng tin.
Việc kiểm tra trật tự tại các cơ sở kinh doanh vẫn luôn được thực hiện chặt chẽ mỗi ngày. |
Vừa kiên quyết trong xử lý những trường hợp vi phạm, các thành viên trong đội vừa tích cực tuyên truyền để những người kinh doanh buôn bán phát sinh tại khu vực neo đậu bè, mủng thực hiện đúng quy định trong kinh doanh nên tình hình buôn bán kiểu “chộp giật” nơi bãi biển cơ bản đã được dẹp bỏ. Xong công việc nơi bến thuyền cũng là lúc trời hửng nắng, rời vị trí, các thành viên lại nhanh chóng tập trung họp để triển khai công việc rồi tiếp tục làm nhiệm vụ. Nhóm lên đường kiểm tra trật tự khu kinh doanh buôn bán, nhóm ra biển quản lý các bãi tắm cũng như hỗ trợ đội cấp cứu biển trong công tác cứu hộ, cứu nạn...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Tứ Khoa, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự du lịch số 4, cho biết: “Đội chúng tôi có 23 người thường xuyên bám sát địa bàn từ các tuyến phố kinh doanh dịch vụ cho đến các bãi biển để luôn bảo đảm an ninh trật tự cũng như mang lại sự an toàn cho mỗi du khách, giúp họ cảm nhận những ngày nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn là những thời khắc thoải mái và ý nghĩa nhất.
Số lượng khách đông, các cơ sở kinh doanh buôn bán dày đặc nên anh em chúng tôi rất vất vả và gặp nhiều áp lực trong quá trình làm việc. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, tình trạng trẻ lạc vẫn thường xuyên xảy ra, trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 20 cháu nhỏ bị lạc quanh bãi biển, nhưng bằng các phương tiện thông tin đại chúng cùng kỹ năng nghiệp vụ, chúng tôi đã giúp tất cả các cháu trở về an toàn với gia đình”.
Để bảo đảm an toàn cho du khách trên các bãi tắm, không thể không nhắc đến vai trò của Đội Cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu biển Sầm Sơn. Với 50 thành viên chia làm 4 tổ, trong đó có 1 tổ làm công tác giám sát trên tàu thường xuyên đi trên biển để quan sát và sớm phát hiện những trường hợp rủi ro.
Ba tổ còn lại chia làm nhiều nhóm túc trực trên 20 ghế quan sát để theo dõi, nhắc nhở các du khách bơi ra xa ngoài hệ thống phao tiêu giới hạn khu vực tắm biển đồng thời nhanh chóng phán đoán, phát hiện ra những trường hợp đuối nước. Các thành viên trong đội được trang bị đầy đủ các phương tiện, như: Tàu cứu hộ, loa cầm tay, phao, còi, cờ... và được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ tiếp cận, ứng cứu nạn nhân và khả năng phán đoán tình huống để tăng tính chuyên nghiệp, sẵn sàng bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển...
Dọc bãi biển đông nghịt người, trên những chiếc ghế cao giữa cái nắng nóng táp vào người, những nhân viên áo đỏ trong đội cấp cứu biển không rời mắt dõi theo biển người đang nô nức đùa nghịch cùng sóng nước. Tinh thần trách nhiệm cao độ với phương châm tính mạng và sự an toàn của du khách là trên hết đã khiến họ trở thành một phần không thể thiếu trên từng mét bờ biển. Sự có mặt của những con người giản dị mà kiên cường, không quản ngại khó khăn và nhiều nguy hiểm đến tính mạng để xả thân cứu giúp những người bị nạn đã đem đến sự an tâm và niềm tin yêu ở mỗi du khách.
Dành thời gian ít ỏi giữa buổi giao ca, anh Lê Nhữ Đại, một thành viên trong đội cấp cứu biển nói với chúng tôi bằng chất giọng sang sảng, đầy lạc quan: Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hè, anh em chúng tôi lại có mặt ở đây để nhận nhiệm vụ. Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì mang đến sự bình yên cho bãi biển, nhất là những khi cứu giúp được những trường hợp qua cơn nguy kịch vì đuối nước.
Câu nói của anh Đại cũng là tâm tư của các thành viên tham gia công tác cứu hộ cứu nạn và quản lý trật tự du lịch của thành phố. Với họ, sự hài lòng của du khách và những lần quay trở lại với Sầm Sơn chính là phần thưởng ý nghĩa nhất giúp họ có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục hoàn thành tốt công việc mỗi ngày.
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử