Ngày 12/5, người dân Iraq đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi quốc gia Trung Đông này tuyên bố giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Đường phố Iraq trong bầu không khí tổng tuyển cử. Ảnh: Reuters |
Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Iraq, có hơn 24 triệu cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, với xấp xỉ 1 triệu cử tri Iraq đang sinh sống ở nước ngoài. Các điểm bỏ phiếu được lập ở 21 quốc gia để các cử tri Iraq ở nước ngoài thực hiện quyền công dân của mình.
An ninh được thắt chặt trong cuộc bầu cử lần này khi IS trước đó đe dọa tấn công các điểm bỏ phiếu. Iraq sẽ đóng cửa toàn bộ sân bay và cửa khẩu trong 24 giờ trong thời gian diễn ra cuộc tổng tuyển cử.
“Chúng tôi đang có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Bầu cử Tối cao. Chúng tôi thường xuyên có các cuộc thảo luận và sắp xếp an ninh hiệu quả, nhằm đảm bảo cho hơn 9.000 điểm bỏ phiếu”, người phát ngôn Bộ Nội vụ Iraq Saad Ma'an nhấn mạnh.
Đây là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi chính phủ Iraq tuyên bố giành chiến thắng trước IS. Với tình hình an ninh được cải thiện, nhưng cuộc sống của người dân Iraq vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi cơ sở hạ tầng bị phá hoại nghiêm trọng sau các cuộc giao tranh. Hàng triệu người dân sơ tán vẫn chưa có nhà cửa để ở.
Chính vì vậy, tái thiết đất nước, cải thiện nền kinh tế và chống tham nhũng được cho là những ưu tiên mà cử tri Iraq đặt niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo mới sau cuộc bầu cử. Một cử tri chia sẻ: “Chúng tôi đang hy vọng vào những điều tốt nhất. Chúng tôi hy vọng thế hệ lãnh đạo mới sẽ giúp chúng tôi tìm được việc làm, tạo ra sự thay đổi cũng như tái thiết các khu vực tàn phá sau xung đột”.
Trong cuộc tổng tuyển cử tại Iraq, 6.986 ứng cử viên sẽ chạy đua giành 329 ghế tại Quốc hội, tiếp đó xúc tiến thành lập chính phủ mới để lãnh đạo đất nước trong 4 năm tiếp theo.
Tuy vậy, con đường để tiến tới hòa bình và ổn định của quốc gia Trung Đông này cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo giới quan sát, một liên minh chính trị mới có thể sẽ được thành lập, thậm chí giữa các nhóm tôn giáo khác nhau, vì có thể không có đảng nào giành đa số trong cuộc tổng tuyển cử.
Khi đó, chính trường Iraq sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn, trước khi lựa chọn được vị trí người đứng đầu. Ngoài các lợi ích xung đột giữa các đảng phải chính trị tại Iraq, các cường quốc cũng đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử để đảm bảo lợi ích của mình. Một số đảng phái tại Iraq được cho là nhận sự hậu thuẫn của Iran, trong khi một số đảng khác lại dưới ảnh hưởng của Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia phân tích chính trị Iraq Al-Sarraj nhận định: “ Họ đang cố gắng được hưởng lợi từ các đồng minh của mình bằng cách tham gia vào tiến trình chính trị tai Iraq thông qua các ứng cử viên chính trị. Họ ủng hộ cho các ứng cử viên, giúp đạt được các lợi ích chính trị. Một số người còn cho rằng Iraq sẽ là vùng đất của xung đột. Ví dụ, Mỹ đang cố gắng làm mọi điều để biến Iraq trở thành chiến trường chống lại Iran”.
Nỗ lực tái thiết đất nước hậu xung đột, cải thiện kinh tế, hòa giải và đoàn kết quốc gia là ưu tiên mà các đảng phái chính trị tại Iraq cần phải giải quyết.
Khó khăn và thách thức còn nhiều, tuy nhiên, với chiến thắng trước IS và tình hình an ninh cải thiện đang là những tiền đề thuận lợi giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo lực bấy lâu nay tại Iraq, khi các cuộc bầu cử tại quốc gia này đều bị cản trở do tình trạng bạo lực đẫm máu từ sau cuộc tấn công do Mỹ phát động năm 2003./.
Tác giả: Phạm Hà
Nguồn tin: Báo VOV