Đây là lần đầu tiên Ukraine thừa nhận đã nhận được Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS), loại vũ khí Kiev yêu cầu từ lâu và đợt vận chuyển này đã được Washington thông qua vào cuối tháng trước.
"Chúng tôi hoàn toàn cần Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo và cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không. Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Joe Biden vì quyết định tích cực được đưa ra này", ông Zelensky phát biểu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty |
NASAMS là hệ thống phòng không do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon của Mỹ và tập đoàn quốc phòng vũ trụ Kongsberg của Na Uy hợp tác sản xuất. Vũ khí này hiện được sử dụng tại 12 quốc gia. Theo Guardian, Mỹ cũng sử dụng hệ thống này để bảo vệ không phận xung quanh Nhà Trắng và Điện Capitol ở Washington.
Hệ thống gồm 3 bộ phận: radar AN/MPQ-64 Sentinel, tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) và Trung tâm phân phối hỏa lực (FDC) do Kongsberg phát triển. Cụm FDC có thể kiểm soát cùng lúc 9 bệ phóng với 54 đạn tên lửa sẵn sàng khai hỏa. Hệ thống vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi một số trận địa bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động, giúp tăng khả năng sống sót trước những đòn chế áp phòng không bằng tên lửa diệt radar của Nga.
NASAMS có tầm bắn khoảng 25-30 km, có độ chính xác cao. Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên chiến đấu cơ NATO.
Hệ thống này cũng hiện đại hơn nhiều so với các hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn của Kiev.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 15/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo Mỹ về các phản ứng tiềm tàng nếu cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine.
"Nếu Washington quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kiev, nước này sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và sẽ trở thành một bên trực tiếp gây ra xung đột", bà Zakharova nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moscow có quyền "bảo vệ lãnh thổ của mình" nhưng không nói rõ sẽ làm gì nếu Mỹ gửi thêm tên lửa cho Ukraine.
Tác giả: Mộc Miên (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn