Thế giới

Tổng thống Trump làm được gì cho Mỹ sau 6 tháng nắm quyền?

6 tháng của ông Trump đầy những lời xì xào, chỉ trích, nhưng không thể phủ nhận những bước chuyển mình khả quan của nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng với hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt chính trị nước Mỹ và chuyển quyền lực "trở lại với nhân dân". Vậy ông đã đạt được gì cho đến nay, tại dấu mốc 6 tháng nắm quyền?

Dựa trên một số cuộc thăm dò dư luận từ các hãng khảo sát tư nhân, người ta cho rằng, ông Donald Trump là một trong những Tổng thống không được ưa chuộng nhất trong những năm gần đây của Mỹ.

6 tháng nắm quyền của Tổng thống Trump đầy những tranh cãi.

Theo đánh giá của hãng khảo sát Gallup, mức tín nhiệm của ông chỉ ở mức 39% sau 6 tháng nắm quyền. Các cựu Tổng thống như Barack Obama và George W Bush đều đạt mức 56% so với cùng thời điểm. Chỉ có thời của Tổng thống Gerald Ford vào năm 1975 người ta mới được chứng kiến con số thấp như thế.

Mặc dù vậy, các cuộc khảo sát này chỉ nói lên một phần bức tranh tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ. Kể từ sau kết quả cuộc bầu cử năm ngoái, người ta có thể thấy số lượng cử tri và người ủng hộ của ông Trump phần lớn là người lao động da trắng các vùng nông thôn. Do đó, các con số này chưa bao quát được hết số người ủng hộ cốt lõi đối với vị tân lãnh đạo nước Mỹ.

Nhập cư là vấn đề được coi trọng nhất trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump. Ông đã ký một loạt sắc lệnh mới để thực hiện lời hứa của mình. Nó cũng trở thành đề tài gây tranh cãi, bị phản đối nhiều nhất bởi các chính khách đối lập.

Một trong những quyết định đầu tiên là lời tuyên bố Mỹ sẽ xây dựng một "bức tường thành" hay "rào cản không thể vượt qua" dọc theo biên giới với Mexico, để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Quốc hội. Ông khẳng định, chi phí xây dựng bức tường sẽ được chính phía Mexico chi trả, mặc dù các nhà lãnh đạo nước này đã nói ngược lại.

Trong khi Tổng thống Trump vẫn chưa thay đổi luật di trú của nước Mỹ, ông đã ký hai sắc lệnh di trú hướng đến một cách tiếp cận cứng rắn hơn so với các rào cản lỏng lẻo hiện có.

Mặc dù gây tranh cãi về việc gây khó khăn với một số nhóm người như Hồi giáo, người tị nạn, lao động nhập cư – nhiều chuyên gia đánh giá giải pháp của ông Trump đã giúp giảm xuống một cách đáng kể tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Trong tháng Ba, số lượng người vượt biên từ Mexico bị bắt giữ giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua.

Kinh tế Mỹ dưới thời Trump có nhiều chuyển biến khả quan.

Về khôi phục nền kinh tế, ông Trump tuyên bố sẽ tạo ra 25 triệu việc làm, chấn hưng nền sản xuất nước Mỹ. Quỹ đạo của nền kinh tế dưới thời Tổng thống Trump về cơ bản vẫn giữ nguyên như dưới thời Tổng thống Obama.

Mặc dù vậy, đã có những sự khởi sắc mới khi tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,4%. Nước Mỹ đã có thêm 227.000 việc làm mới trong tháng 1/2017, mức nhiều nhất kể từ tháng 9/2016 và tăng dần trong những tháng gần đây.

Đồng hành với quyết định rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Trump đã hứa sẽ đưa các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch trở lại guồng quay sản xuất sau nhiều năm khốn đốn.

Ngoài ra, nhờ có những yếu tố tích cực tác động, thị trường chứng khoán Mỹ đang đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Giá dầu vẫn ở mức thấp, niềm tin tiêu dùng trong dân chúng được khôi phục và lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, thị trường xe hơi và doanh số bán lẻ đã giảm, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm chạp. Nhà Trắng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 3%, nhưng cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho rằng, tăng trưởng sẽ chỉ đạt được ít hơn 2%. Trong quý đầu tiên của năm nay nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 1,4%.

Chính sách chăm sóc sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu đối với Tổng thống Trump và một lần nữa hệ thống cũ kỹ của ngành y tế nước Mỹ rơi vào tầm ngắm.

Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá rẻ của Tổng thống Obama đã giúp hơn 20 triệu người Mỹ có bảo hiểm y tế nhưng nó cũng kéo theo gánh nặng tài chính khổng lồ đối với Chính phủ Mỹ.

Ông Trump đang lên kế hoạch "ngay lập tức bãi bỏ và thay thế" di sản của người tiền nhiệm. Cũng giống như sắc lệnh về di trú, ý định của ông chủ Nhà Trắng cũng vấp phải phản đối bởi các nhóm chính trị đối lập, các bệnh viện và các bộ phận của ngành y tế, trong bối cảnh lo ngại hàng triệu người sẽ mất bảo hiểm.

Với khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết”, Tổng thống Trump không muốn tiếp tục danh xưng “nhà lãnh đạo toàn cầu” thông qua việc giảm dần những mối quan tâm chung trên thế giới, bớt đi những chi phí quân sự không cần thiết đối với các đồng minh, hoặc không tham gia các cuộc chiến tranh vô nghĩa.

Theo các bài phân tích về 6 tháng nắm quyền của ông Trump trên BBC, CNN, The Guardian, những quyết sách của vị Tổng thống 71 tuổi mặc dù vấp phải sự phản đối gay gắt cả trong và ngoài nước, nhưng không thể phủ nhận rằng, nước Mỹ đang có những dấu hiệu khởi sắc một cách khả quan.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok