Trong bài phát biểu trước Atlantic Council hôm 4/2, ông Macron cảnh báo hiệu quả từ một mũi tiêm từ Sinopharma hoặc Sinovac là không rõ ràng vì hiện không hề có thông tin được chia sẻ về quá trình thử nghiệm từ các vaccine này.
"Điều đó có nghĩa trong trung hoặc dài hạn, gần như chắc chắn các vaccine này nếu không hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các biến chủng mới", nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: EPA-EFE) |
Bình luận của ông Macron được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thúc giục Nga và Trung Quốc "cung cấp tất cả dữ liệu" nếu các quốc gia này muốn vaccine của họ được Liên minh châu Âu chấp thuận.
Tuần trước, ông Macron cũng bày tỏ hoài nghi về vaccine do hãng dược AztraZeneca phát triển. Ông cho rằng vaccine này dường như không hiệu quả với những người trên 65 tuổi dù các cơ quan quản lý châu Âu chấp thuận sử dụng nó ở người trưởng thành mọi lứa tuổi.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Pháp vấp phải chỉ trích vì chậm chạp. Dư luận nước này cũng tỏ ra thất vọng khi các tập đoàn dược phẩm hàng đầu trong nước vẫn đang gặp khó trong nỗ lực phát triển vaccine.
Các quốc gia đang cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến phát triển và phân phối vaccine như một cách để tăng cường ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế cũng như uy tín của họ.
Hai quốc gia ở châu Âu là Hungary và Serbia đang chuẩn bị sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Theo thống kê, ít nhất 24 nước, hầu hết là những nước thu nhập thấp hoặc trung bình, đã ký thỏa thuận mua vaccine từ Trung Quốc bởi chúng dễ tiếp cận trong khi những nước giàu có hơn đặt hàng vaccine từ Anh hoặc Mỹ.
Một số quốc gia tỏ ra e dè khi dữ liệu về vaccine Trung Quốc không rõ ràng và các báo cáo cho thấy mức độ hiệu quả của vaccine Trung Quốc không cao như các vaccine do Anh, Mỹ hay Nga phát triển.
Tác giả: Song Hy
Nguồn tin: Báo VTC News