Chiều 31/5, thảo luận ở tổ về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều vị đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Theo đó, trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, Chính phủ đề xuất hai phương án xử lý là đánh thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất 45%; hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Cán bộ sẽ ồ ạt khai rất nhiều tài sản được thừa kế, tặng cho?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội, lo ngại khả năng trước khi Luật này được thông qua thì cán bộ sẽ ồ ạt khai rất nhiều tài sản được thừa kế, tặng cho để tránh hệ luỵ khi bị xác minh tài sản, thu nhập. Như vậy, quy định này có thể tạo điều kiện cho việc hợp lý hoá tài sản tham nhũng ở giai đoạn trước.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng nêu vấn đề, đánh thuế 45% tài sản bất minh là biện pháp xử lý nửa vời, vì nếu tài sản đã xác định là bất minh thì phải tịch thu chứ sao lại chỉ lấy 45%?
“Nên nghiên cứu các biện pháp thu hồi tài sản thông qua thủ tục tố tụng cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Chúng ta đưa người nghiện đi cai mà còn phải có bản án của toà nữa là động tới quyền tài sản của cán bộ”, ông Đặng Thuần Phong – Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội nói.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: Nguyễn Quang Phúc |
Giải trình nội dung trên, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, trường hợp cơ quan chức năng xác định được tài sản của cán bộ, công chức là bất hợp pháp, được hình thành do vi phạm pháp luật thì căn cứ vào Luật Hình sự, Luật Dân sự để xử lý, tịch thu.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam, cơ quan chức năng chưa kiểm soát được hết tài sản, thu nhập của toàn xã hội, có những trường hợp tài sản cán bộ hình thành nhờ cho, biếu, tặng, làm thêm hợp pháp… Như vậy loại tài sản, thu nhập này có thể không được giải trình hợp lý về nguồn gốc, nhưng không khẳng định đó là tài sản bất hợp pháp, thì việc cơ quan chức năng áp dụng biện pháp thu thuế là hợp lý.
“Dự thảo Luật đã coi đó như một khoản thu nhập vãng lai, chưa được kê khai và người có nghĩa vụ kê khai phải nộp thuế. Phương án này không loại trừ trách nhiệm hình sự, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án, chứng minh được tài sản, thu nhập đó do phạm tội mà có thì vẫn tịch thu theo quy định”, ông Khái nhấn mạnh.
Vì sao chọn mức thuế suất 45%, Tổng thanh tra lý giải, theo tính toán tham khảo từ Bộ Tài chính, mức thuế suất này tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% (trong biểu thuế lũy tiến từng phần, dao động từ 5% đến 35%) và tiền phạt từ một đến 3 lần (được lấy trung bình là 2 lần) số tiền thuế trốn theo quy định.
Phân tầng cách thức xử lý bản kê khai
Góp ý vào dự thảo Luật, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ vừa qua chưa chặt chẽ. Vì thế, dự Luật cần đưa ra quy định cụ thể, dễ thực hiện, đồng thời mở rộng diện kê khai tài sản để nắm được diễn biến qua từng năm, cũng là cơ sở để sau này cơ quan chức năng xử lý cán bộ nếu họ có vi phạm.
“Hôm nay tôi là cán bộ thường nhưng có thể 10-20 năm sau sẽ là lãnh đạo. Nếu đợi đến lúc làm lãnh đạo rồi mới bắt kê khai thì sẽ có một khoảng trống lớn, khi đó kiểm soát tài sản sẽ rất khó”, ông Thể nêu ý kiến.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự Luật có cách tiếp cận hợp lý khi phân tầng cách thức xử lý bản kê khai tài sản, thu nhập.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức từ phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản khi được bổ nhiệm lần đầu (không phải kê khai hàng năm). Việc kê khai này chỉ phục vụ mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu và khi có vấn đề, tức khi tài sản của công chức tăng đột biến từ 300 triệu đồng trở lên hoặc khi có đơn thư thì cơ quan chức năng mới tiến hành xác minh.
Các trường hợp phải kê khai tài sản hàng năm đã được dự Luật thu hẹp lại so với quy định hiện hành. Theo đó, cán bộ từ giám đốc sở trở lên và những người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài sản, tài chính công,… mới phải kê khai tài sản hàng năm vì đây được coi là những trường hợp nguy cơ cao. Cách thức kiểm soát bản kê khai các cán bộ, công chức trong diện này cũng đầy đủ hơn so với trường hợp đã phân tầng ở trên.
“Cách phân tầng như thế là hợp lý, nhưng tôi chưa rõ căn cứ vào đâu để ban soạn thảo đưa ra ngưỡng 300 triệu đồng. Nếu tính lương của cán bộ, công chức khoảng 10-12 triệu đồng một tháng thì 300 triệu đồng là một khoản thu nhập cực kỳ lớn. Tại sai không quy định là 50 triệu mà lại là 300 triệu”, ông Tùng nói.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương Lê Thị Thuỷ. Ảnh: QH |
Bà Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nhận xét dự thảo Luật mới hướng đến các quy định về kê khai tài sản, còn các giải pháp khác “khá mờ”.
“Tất nhiên vấn đề kê khai tài sản được dư luận quan tâm, nhưng phòng chống tham nhũng thì phải đồng bộ”, bà nói và cho rằng nên đưa ra các giải pháp quyết liệt và xử lý nghiêm chính là cách phòng ngừa tốt.
“Bây giờ đi xuống địa phương thấy ngay lãnh đạo làm việc khác hẳn so với trước. Họ cũng tự thấy rằng, trách nhiệm của mình đến đâu phải làm đến đó, còn nếu vượt qua thẩm quyền, trách nhiệm thì có khi nghỉ cũng không yên. Cái này răn đe rất tốt. Do đó quan điểm của tôi là khi xây dựng Luật này phải cân đối giữa phòng và chống. Trong thời điểm hiện nay phải quan tâm chống, không có nghĩa là làm tất cả nhưng phải làm để thể hiện tính nghiêm minh, răn đe”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Về việc dự thảo Luật giao Thanh tra Chính phủ thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập từ giám đốc sở trở lên, bà Thuỷ nói “liệu có làm nổi không?”.
Theo bà, Cục phòng chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ chỉ có tối đa 40 người. Như vậy chỉ kiểm soát khối các bộ, ngành thuộc Chính phủ đã quá nhiều, “làm đến các sở thì sao mà xuể”.
Lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị quy định theo hướng, Thanh tra Chính phủ kiểm soát trong phạm vi những người do Thủ tướng bổ nhiệm; tương tự với thanh tra cấp tỉnh và cấp huyện. “Như thế vừa phân cấp, vừa gắn trách nhiệm, nếu ai làm không tốt thì phải chịu trách nhiệm. Cơ quan cấp trên có trách nhiệm theo dõi, tổng hơp thành kho dữ liệu về kê khai tài sản, thu nhập chung trong cả nước, giúp địa phương về mặt nghiệp vụ”, bà nói.
Theo nghị trình, ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Tác giả: Hoài Thu - Bảo Hà
Nguồn tin: Báo VnExpress