Trong nước

Tổng bí thư: 'Ngành tuyên giáo không thể áp đặt, mệnh lệnh'

Để biết dân muốn gì, Tổng bí thư cho rằng ngành tuyên giáo phải chân thành, "rất tinh tế, đi vào lòng người".

Ngày 1/8, kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo, hơn 2 năm qua, ngành tuyên giáo đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; tham mưu Bộ Chính trị ban hành chỉ thị đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tuyên truyền giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn tình hình nội bộ.

Ngành tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề nổi cộm và bức xúc xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, 88 năm qua, ngành tuyên giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trong bối cảnh phải tiếp xúc với nhiều loại hình chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, Tổng bí thư cho rằng ngành tuyên giáo cần nắm được tâm tư, tình cảm, tâm trạng của dân, biết dân đang cần cái gì. Để làm được điều này, ngành phải có cán bộ kiên cường, trí tuệ, kiên định. Phương pháp tuyên truyền phải dân chủ, chân thành, không thể gò ép, áp đặt, mệnh lệnh; phải rất tinh tế, đi vào lòng người.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Giang Huy.

Theo Tổng bí thư, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những tác động mặt trái là "rất ghê gớm, xâm nhập ngay vào tư tưởng, tình cảm, làm hư hỏng con người"... Mỗi nước có đặc điểm riêng, phong cách riêng, truyền thống dân tộc riêng. Du nhập mà không có chọn lọc thì cũng sai, cuối cùng mất bản sắc văn hóa dân tộc, không còn là người Việt Nam. Vấn đề đó liên quan đến công tác tuyên giáo.

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh của kỹ thuật và mạng internet, nếu không quản lý được thì chúng ta dễ trở thành nô lệ cho nó. Nếu không nhận thức rõ những mặt trái thì thông tin xấu, độc trên mạng nhiễm vào chúng ta lúc nào không hay. Bởi xu hướng dư luận thường thích thông tin lạ, mới, giật gân chứ không phải lúc nào cũng nghe thông tin chính thống", ông Trọng phát biểu.

Ông cũng nhắc ngành tuyên giáo chú ý 3 điểm lớn: công tác lý luận phải chăng chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu dù đã rất cố gắng; báo chí phát triển nhanh, rầm rộ nhưng thông tin tuyên truyền miệng con yếu, đối thoại chưa sinh động; phê phán, bác bỏ quan điểm sai trái của các thế lực thù địch chưa huy động được sức mạnh tổng hợp để đạt hiệu quả cao.

Nói về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng bí thư dẫn lời Hồ Chủ tịch, "mục đích cuối cùng là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Tác giả: Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok