Kinh tế

Tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên: Dân nghi ngờ doanh nghiệp xả thải

Vấn đề lúc này là vận động người dân kiềm chế, bình tĩnh, tránh hành vi quá khích. Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, khi có kết quả sẽ công bố công khai, xử lý minh bạch theo luật định.

Ông Phạm Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã cho biết như trên khi trao đổi với Dân Việt vào sáng nay 29.5 xung quanh sự việc hàng loạt tôm hùm bị chết ở Phú Yên. Ông Kiên cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang tập trung xử lý việc dân phản ứng tập thể do nghi ngờ một doanh nghiệp xả thải, gây chết tôm hùm nuôi.

Ngư dân Sông Cầu bức xúc trước khi tôm hùm nuôi chết hàng loạt

Trước đó, chiều 27.5, hàng trăm người dân đã kéo đến cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng (Nguyễn Hưng, tại xã Xuân Phương, Sông Cầu) để yêu cầu làm rõ có hay không việc công ty này xả thải ra môi trường làm chết tôm hùm, cá nuôi của dân. Khi chính quyền địa phương và lực lượng công an có mặt giải thích, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, người dân mới ra về.

Làm việc với báo chí, đại diện Nguyễn Hưng cho biết, hệ thống xử lý nước thải của đơn vị có công suất 80m3/ngày nhưng hiện chỉ hoạt động thải ra lượng nước khoảng 12 - 40m3/ngày. Tất cả nước thải của cơ sở được tập trung về bể thu gom, sau đó được chuyển sang bể điều hòa, bể kỵ khí, rồi chuyển sang bể anoxit khử nitơ, đến bể aerotank xử lý COD, BOD rồi chuyển đến bể lắng, bể khử trùng và cuối cùng là bể sinh học.

Khu vực xử lý nước thải tại cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng (xã Xuân Phương, Sông Cầu). Ảnh: Hùng Phiên

Theo quy trình trên, nước thải sau khi xử lý đến bể sinh học sẽ đạt tiêu chuẩn B. Tại đây, đơn vị tiếp tục xử lý bằng cách thả bèo và cá, sau đó công ty tận dụng nước này để tưới cây và vệ sinh nhà máy, nên hiện nhà máy không có nước thải để thải ra môi trường.

Thế nhưng 2 tháng qua, Công ty TNHH Nguyễn Hưng mới khắc phục bể khử trùng, bể lắng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy lên khoảng 120m3/ngày nên chỉ xử lý đến công đoạn aerotank. Sau đó, đơn vị dùng xe bồn vận chuyển lượng nước thải này đến nhà máy bột cá Phú Bình (cơ sở 2 của Nguyễn Hưng tại xã Xuân Cảnh, Sông Cầu) để tiếp tục xử lý…

Ông Nguyễn Hưng Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng thừa nhận, việc vận chuyển nước thải trên chưa được báo cáo với cơ quan chức năng, chưa đúng quy trình. “Đây chỉ là giải pháp tình thế trong quá trình nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, mục đích làm sao để hệ thống xử lý đạt kết quả cao nhất. Việc tôm, cá ở vịnh Xuân Đài (Sông Cầu) bị chết trong thời gian qua đã có cơ quan chức năng kết luận. Vấn đề bà con nghi ngờ nhà máy xả thải ra môi trường, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ. Nếu kết luận công ty vi phạm, chúng tôi chấp nhận bị xử lý theo luật định”.

Còn theo ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo cơ quan hữu trách lấy mẫu nước tại Công ty TNHH Nguyễn Hưng để đưa kiểm định cụ thể. Nếu cần thiết, chính quyền sẽ tổ chức mời chuyên gia để đánh giá, tìm giải pháp vấn đề xử lý môi trường tại khu vực trên. Trước mắt, tỉnh đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để hỗ trợ ổn định vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Như Dân Việt đã thông tin, chỉ trong 10 ngày qua, tại khu vực nuôi Sông Cầu đã có 523.970 con tôm hùm sắp thu hoạch bị chết hàng loạt, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Sở NNPTNT Phú Yên kết luận, tình trạng trên là do tôm hùm bị chết ngạt khi thời tiết chuyển đổi quá đột ngột, trong điều kiện nuôi quá dày, nguồn nước bị ô nhiễm nặng,...

Tác giả: Hùng Phiên

Nguồn tin: Báo Dân việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok