Trong nước

Tội phạm tham nhũng nếu muốn được đặc xá phải trả hết tài sản

Ủy ban Tư pháp đề nghị Luật Đặc xá sửa đổi cần quy định tội phạm tham nhũng khi được đặc xá phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại...

Sáng 8/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 26 và trong 6 ngày sẽ bàn về 8 luật, trong đó có luật Đặc xá (sửa đổi), Công an nhân dân, Phòng chống tham nhũng...

Hôm nay, thảo luận về Luật Đặc xá, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo và cho biết sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa 14 vừa qua, nhiều ý kiến nhất trí quy định ba thời điểm đặc xá tại dự thảo, bao gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, ngày lễ lớn, trường hợp đặc biệt.

Theo bà Nga, Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo giữ quy định ba thời điểm này song không quy định thời điểm, tần suất cụ thể mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ tình hình thực tế của đất nước ở từng thời kỳ.

Về thời gian chấp hành hình phạt tù để xét đặc xá, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành. Tức là phạm nhân phải chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Tuy nhiên, Ủy ban thấy cũng có ý kiến cho rằng thời gian này cần dài hơn so với luật hiện hành, ngắn hơn so với quy định của dự thảo. Xem xét toàn diện, Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm: Đề nghị cho giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành.

Về điều kiện chấp hành án phí, các khoản tiền phạt, Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo chỉnh lý thành "đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí hoặc có quyết định của Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền, miễn nộp án phí”.

Với việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự, Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý theo nội dung: “Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Quốc hội.

Đề nghị đưa Đại biểu Quốc hội vào hội đồng tư vấn đặc xá

Trước báo cáo trên, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về thời điểm xét đặc xá. Sáng nay, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng: "Ba thời điểm đặc xá một năm có dày quá không? Chúng ta nên quy định vào 2 thời điểm là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập’.

Dù "cơ bản đồng tình" với dự án luật song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lại băn khoăn việc xét đặc xá vào dịp "sự kiện trọng đại của đất nước. Theo ông chưa có văn bản nào quy định việc này, hơn nữa nếu quy định thì cần có dẫn chiếu thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lại quan ngại về tính minh bạch, công bằng trong quá trình xét đặc xá. Theo bà Hải, có ý kiến cho rằng quá trình bình bầu đối tượng đặc xá còn tương đối khép kín trong nội bộ ngành công an. Việc thanh tra công tác đặc xá lại chỉ do Viện kiểm sát đảm nhiệm.

“Tôi ấn tượng với con số báo cáo gần như không có khiếu nại, tố cáo với công tác đặc xá, chỉ có vài đơn và sau đó xem xét thì kết luận không có căn cứ. Nhưng, qua dư luận, tôi lại thấy lại thấy việc xem xét cũng nằm trong nội bộ ngành, nên còn nhiều băn khoăn”, bà Hải nêu.

Theo bà, Luật Thanh tra cũng không có quy định về thanh tra với lĩnh vực đặc xá, vì vậy cần quy định rõ hơn về trình tự thanh tra công tác đặc xá.

Bà Hải cho rằng thành phần hội đồng tư vấn đặc xá cần có: Bộ Công an, Tư pháp, Ngoại giao, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng chính phủ, Mặt trận tổ quốc, cơ quan tổ chức khác do Chủ tịch nước đề nghị... “Tôi đề nghị cân nhắc bổ sung thành phần cơ quan dân cử vào hội đồng đặc xá, ví dụ sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội...”, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị.

Theo bà Hải, liên quan tới việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động đặc xá, điều 37 quy định người có đơn đặc xá có quyền khiếu nại về việc người đó đủ điều kiện nhưng không được giám thị trại giam lập danh sách. “Tôi rất băn khoăn là chỉ người có đơn mới được khiếu nại, trong khi điều 39 lại nêu rõ công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc đặc xá”.

Ngay sau đó, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn trả lời, khẳng định việc xét đặc xá đang diễn ra theo chiều hướng "rất minh bạch". Theo ông hoạt động xét đặc xá không khép kín, nội bộ vì thực tế có cơ quan giám sát thường xuyên là Viện kiểm sát, chính quyền ở các địa phương. Các phạm nhân cũng đều được biết quyền của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay cơ quan này xin tiếp thu và cân nhắc thêm về ý kiến của các đại biểu.

Tác giả: Bảo Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: tọi phạm , đặc xá , quốc hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok