Thế giới

Tội ác của nhóm khủng bố nghi bắt cóc 6 ngư dân Việt

Abu Sayyaf là nhóm khủng bố khét tiếng ở miền nam Philippines, từng tổ chức những vụ tấn công làm nhiều người thương vong.

Nhóm thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc ngoài khơi Philippines

Một nhóm phiến quân Abu Sayyaf. Ảnh: News Beat.


Tàu chở hàng Royal 16 hôm 11/11 bị cướp biển tấn công, khiến 6 thuyền viên người Việt bị bắt cóc. Thủ phạm được cho là Abu Sayyaf, nhóm khủng bố khét tiết từng thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Abu Sayyaf tạm dịch là "Hàng rào cùa những thanh kiếm", được thành lập bởi Abdurajak Abubakar Janjalani, một học giả Hồi giáo người Philippines. Đây là người từng chiến đấu chống Liên Xô cùng lực lượng Taliban ở Afghanistan vào thập niên 1980. Sau khi về nước, Janjalani tham gia Mặt trận giải phóng quốc gia Moro (MNLF) với mục tiêu tăng quyền tự trị cho người Hồi giáo miền nam Philippines.

Tới năm 1991, Janjalani tách khỏi MNLF và thành lập Abu Sayyaf. Nguyên nhân chính là MNLF bắt đầu đàm phán hòa bình với chính phủ, theo tạp chí Time.

Abu Sayyaf luôn khẳng định việc chiến đấu để thành lập một quốc gia Hồi giáo độc lập ở phía nam Philippines. Vào cuối thập niên 1990, phong trào này bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Các thành viên Abu Sayyaf hoạt động như một nhóm cướp có vũ trang, thay vì những người đòi độc lập.

Anh rể của trùm khủng bố Osama bin Laden từng rót tiền cho Abu Sayyaf qua những tổ chức từ thiện Hồi giáo giả mạo ở Philippines. Cuộc tấn công đầu tiên được nhóm này thực hiện vào năm 1991, khiến hai nhà truyền giáo Mỹ trên đảo Mindanao thiệt mạng.

Trong thập niên 1990, số người thương vong do Abu Sayyaf tăng dần qua từng năm. Trong năm 1994, chính phủ Philippines cáo buộc nhóm này thực hiện một loạt vụ nổ bom khiến 71 người chết. Chỉ một năm sau, Abu Sayyaf tấn công thị trấn Ipil, khiến 53 người chết. Tới năm 1998, một vụ tấn công bằng lựu đạn đã xảy ra ở trung tâm thương mại làm 60 người bị thương.

Thủ lĩnh Janjalani bị tiêu diệt trong một cuộc đọ súng với cảnh sát vào năm 1998. Kể từ đó, nhóm khủng bố bắt đầu thay đổi đường lối hoạt động. Chúng ngừng các vụ đánh bom, tập trung vào việc bắt cóc người nước ngoài để đòi tiền chuộc. Vào năm 2000, Abu Sayyaf bắt cóc 21 người ở Malaysia, 50 học sinh và giáo viên ở đảo Basilan, Philippines và ít nhất 15 nhà báo nước ngoài.

Các thành viên Abu Sayyaf thề trung thành với IS. Ảnh: BBC.


Khi em trai Khadaffy của Abdurajak Janjalani lên nắm quyền, nhóm khủng bố bắt đầu nỗ lực chế tạo bom. Chúng từng nhận trách nhiệm cho vụ đánh bom ở vịnh Manila khiến 116 người thiệt mạng. Đây cũng là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Philippines. Vào giữa năm 2005, chính phủ Philippines cho biết nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah đã huấn luyện 60 thành viên Abu Sayyaf để chế tạo các loại bom lớn, sát thương cao hơn.

Nhóm khủng bố này đã mất kiểm soát một phần lãnh thổ sau chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân đội Philippines hồi tháng 8/2006. Chỉ một năm sau, Khadaffy Janjalani và hai thủ lĩnh cấp cao của Aby Sayyaf đã bị tiêu diệt. Kể từ thời điểm đó, Abu Sayyaf bắt đầu thiếu tiền hoạt động, không thủ lĩnh nào dám đứng ra thống nhất các phe phái nội bộ. Điều đó buộc chúng tiếp tục các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc.

Vào năm 2012, Abu Sayyaf được cho là còn 200-400 thành viên, so với con số 1.250 phiến quân cách đó 10 năm.

Tác giả bài viết: Tử Quỳnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok