Pháp luật

Toàn cảnh 10 ngày xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm

Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm diễn ra liên tục trong 10 ngày với nhiều diễn tiến "nóng bỏng", nhiều tranh luận dường như không có điểm dừng từ hai phía...

22 bị cáo hầu tòa

Sáng 8/1, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC).

Ông Đinh La Thăng được dẫn giải đến tòa sáng 8/1. (Ảnh: TTXVN)

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. (Ảnh: TTXVN)

22 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV PVN) và 11 bị cáo khác bị truy tố về tội “Cố ý làm trái”; 8 bị cáo bị truy tố tội “Tham ô tài sản”. Hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội danh trên.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Ông Thăng sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị cáo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

Không nhận tội

Quá trình HĐXX cũng như các luật sư xét hỏi nhằm làm rõ chi tiết vụ án, ông Đinh La Thăng luôn khẳng định, bản thân bị cáo tôn trọng kết luận điều tra và cáo trạng, tôn trọng quyền khai báo của các bị cáo khác đồng thời đề nghị HĐXX xem xét trên cơ sở quy định pháp luật.

Ông Thăng và một số bị cáo trình bày trước tòa rằng không biết hợp đồng EPC số 33 được ký thiếu cơ sở pháp lý. Đồng thời, ông Thăng cho rằng việc chỉ định thầu, tạm ứng tiền thuộc trách nhiệm của Ban Giám đốc PVN và chủ đầu tư.

Cựu Chủ tịch HĐTV PVN khai nhận trước tòa. (Ảnh: TTXVN)

Về nguồn vốn cho dự án NMNĐ Thái Bình 2, ông Thăng cho biết, 30% là vốn của PVN, còn lại đi vay. 30% vốn này, theo ông Thăng, thuộc trách nhiệm của Tổng Giám đốc và các Phó TGĐ PVN, không thuộc trách nhiệm của HĐTV và Chủ tịch HĐTV.

Liên quan đến nhóm bị cáo bị xét xử về tội “Tham ô tài sản”, tại tòa, các bị cáo cấp dưới của Trịnh Xuân Thanh khai chính cựu Chủ tịch PVC đề ra chủ trương tham ô nhưng ông Thanh phủ nhận hoàn toàn. Bị cáo Thanh khai rằng bản thân không nhận 4 tỷ đồng từ cán bộ cấp dưới chuyển cho thông qua lái xe riêng như cơ quan tố tụng quy kết; đồng thời nói mình không liên quan đến khoản 1,5 tỷ đồng cơ quan công tố cáo buộc sử dụng chung.

HĐXX đã tiến hành cho các bị cáo và người liên quan lên đối chất lời khai tại tòa để làm rõ hành vi rút tiền, đưa - nhận tiền của nhóm bị cáo bị buộc tội “Tham ô”.

Tại tòa, Trịnh Xuân Thanh cho rằng mình không quanh co chối tội, ngay cả trong quá trình điều tra. Đại diện điều tra viên có mặt tại phiên tòa đã lên tiếng khẳng định Trịnh Xuân Thanh có quanh co chối tội.

Tranh luận tội "cố ý làm trái..."

Trong bản luận tội của mình, đại diện VKS cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án nêu trên, vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước. Thậm chí, một số bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của Dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Hành vi này của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Căn cứ kết quả điều tra vụ án, lời khai các bị cáo, phần bào chữa của các luật sư tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 14-15 năm tù về tội “Cố ý làm trái...”; Trịnh Xuân Thanh 13-14 năm tù về tội “Cố ý làm trái...”, Chung thân về tội “Tham ô tài sản”, tổng hình phạt là Chung thân. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 28 năm tù.

Tự bào chữa, ông Đinh La Thăng cho biết, suốt quá trình điều tra cũng như tại tòa, ông đã khai báo thành khẩn và luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu ở PVN nhưng cho rằng bản thân chỉ chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.

Các bị cáo nghe luận tội. (Ảnh: TTXVN)

Cựu Chủ tịch HĐTV PVN xin nhận trách nhiệm cho các bị cáo khác cấp dưới vì các bị cáo này, theo ông Thăng, không có động cơ cá nhân, không vụ lợi, vì trách nhiệm của mình, vì chỉ đạo quyết liệt, có lúc nôn nóng mà dẫn đến vi phạm.

Trong khi đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận không đọc nội dung hợp đồng 33, song phủ nhận cáo buộc tham ô tài sản.

Tranh luận trước tòa, các luật sư đề nghị HĐXX làm rõ cách giám định thiệt hại số tiền hơn 1,1 nghìn tỷ đồng PVC sử dụng sai mục đích. Đại diện VKS cho rằng có cơ sở xác định ông Thăng và cấp dưới cố ý làm trái, gây thiệt hại cho Nhà nước. Riêng Trịnh Xuân Thanh có căn cứ xác định bị cáo này đã tham ô tài sản.

Ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng sáng 17/1. (Ảnh: TTXVN)

Viện kiểm sát: Ông Đinh La Thăng có vai trò chủ mưu, xuyên suốt

Về cá thể hoá trách nhiệm các bị cáo, theo đại diện VKS, cơ quan này đã xem xét, đánh giá hành vi sai phạm trong vụ án, xâu chuỗi, xác định vai trò của từng bị cáo. Cùng một hành vi, tính chất sai phạm thì người có trách nhiệm cao hơn đương nhiên chịu trách nhiệm cao hơn. Người có trách nhiệm cao hơn nhưng tham gia phạm tội thấp hơn thì mức án thấp hơn, ví dụ như Trương Quốc Dũng.

“Rõ ràng có phân hoá, đánh giá mức độ vai trò của từng bị cáo chứ không phải “xem xét theo bảng lương” như lời luật sư.” - đại diện VKS trình bày.

Theo đại diện VKS, trong vụ án này, đóng vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng, khởi nguồn từ chỉ định thầu. Vai trò của các bị cáo sau là biết nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái.

“Các bị cáo nói do sức ép tiến độ, nhưng thử hỏi từ ngày tạm ứng đến ngày PVC thực hiện các hạng mục là bao nhiêu thời gian? Thực chất việc ký các hợp đồng này để nhằm hợp thức chuyển tiền cho PVC.” - VKS nêu quan điểm khi đánh giá xâu chuỗi nội dung vụ án.

HĐXX nghỉ nghị án. Sáng 22/1, tòa sẽ tuyên án.

Tác giả: Tiến Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

ok