Tại Hội nghị trực tuyến ngành Nội vụ ngày 15/1, ông Phạm Văn Tác (Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế) báo cáo việc tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, trong năm qua, tuyến y tế trung ương đã được Bộ Y tế đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ theo hướng phân cấp, tự chủ và hiệu quả. Các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.
Hiện, 25/42 bệnh viện (trong đó có 7 bệnh viện trường đại học) đã đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên với số lượng gần 25.400 người. Thay đổi này đã tiết kiệm được hơn 2.100 tỷ đồng ngân sách nhà nước (trung bình lương mỗi người là 6 triệu đồng một tháng).
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh về cho UBND tỉnh quản lý. Bộ chỉ quản lý khoảng 20 bệnh viện đầu ngành, là cơ sở thực hành của các trường đại học y dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt.
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế. Ảnh: PV |
Đối với tuyến y tế địa phương, ông Tác cho hay, Bộ thực hiện mô hình Trung tâm phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành.
Mô hình này thực hiện theo lộ trình đến năm 2021 (đến nay đã có 54 tỉnh, thành thực hiện), mỗi tỉnh thành có 5-9 đơn vị trung tâm. Nếu lấy trung bình mỗi tỉnh gồm 6 trung tâm và sáp nhập thành một thì sẽ dư 5 đơn vị. Khi đó, 63 tỉnh, thành sẽ giảm 315 đơn vị tuyến tỉnh, tương ứng giảm 1.260 vị trí lãnh đạo, tiết kiệm được hơn 90,7 tỷ đồng mỗi năm (1.260 x 6 triệu/tháng x 12 tháng).
Theo đại diện Bộ Y tế, việc sáp nhập trung tâm dự kiến giảm được khoảng 2.140 người làm công việc hành chính như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán..., từ đó tiết kiệm hơn 154 tỷ đồng mỗi năm.
"Tính đến 31/10/2017, có 70 trong tổng số hơn 2.000 đơn vị và 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước mà đã đưa vào giá dịch vụ, tiết kiệm hơn 2.500 tỷ đồng. Đến 27/9/2018, 51 tỉnh, thành đã giảm chi ngân sách nhà nước gần 14.700 tỷ đồng", ông Tác cho hay.
Mô hình trung tâm y tế huyện thực hiện thống nhất chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh và các trạm y tế xã phường. Đến cuối năm 2018, 437 trên tổng số 713 quận, huyện sáp nhập thành một trung tâm y tế hai chức năng, tiết kiệm khoảng 910 tỷ đồng ngân sách nhà nước chi cho lương lãnh đạo và những người làm công việc hành chính.
"Tuyến huyện mới đang ghép hai đầu mối thành một, trong khi thực tế có thể ghép bốn đầu mối thành một thì số lượng lãnh đạo quản lý và biên chế gián tiếp còn giảm với số lượng cao hơn nữa", Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế nói.
Cuối tháng 10/2017, Ban chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết số 18 của hội nghị lần thứ 6, khoá XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện chủ trương này, Bộ Công an đã giảm 6 tổng cục; giảm 60 đơn vị cấp cục và tương đương xuống còn hơn 50 cục và giảm gần 300 đơn vị cấp phòng. 20 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo sắp xếp 88 doanh nghiệp quân đội còn 17, giảm 71 doanh nghiệp. Số lượng sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng phải giải quyết chế độ là 16.000 người, chưa tính số lao động hợp đồng của các đơn vị. Bộ cũng đã rà soát, điều chỉnh tổ chức, hợp nhất các phòng, cục có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể 22 trường dạy nghề; thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với 25 bệnh viện trong quân đội; sắp xếp, kiện toàn hệ thống báo chí... |
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress