Theo thông tin được Sputnik đăng tải, lực lượng tình báo của Đức vừa rồi đã cáo buộc Iran đang cố gắng có được những thiết bị và công nghệ cần thiết để tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa của nước này.
Phía Đức nhận định kể từ khi Tehran âm thầm tái khởi động lại chương trình hạt nhân của nước này vào năm 2016, Iran đã rất nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để mua lại công nghệ và thiết bị từ các quốc gia có nền công nghệ hạt nhân phát triển trong khu vực để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa chương trình hạt nhân và cố gắn kết nối chúng với chương trình tên lửa của Iran, điều mà Triều Tiên đang làm và đã rất thành công.
Tuy nhiên, Berlin khẳng định mọi nỗ lực mua công nghệ và thiết bị để phục vụ nghiên cứu vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran đều đã bị chặn đứng.
Các loại tên lửa cực kỳ nguy hiểm của Iran. Ảnh: Iranian. |
Sputnik nhận định, bản báo cáo này của Đức cũng nằm gửi một thông điệp cực kỳ quan trọng và cứng rắn tới những công ty, tập đoàn đang cố tình tiếp tay cho chính phủ Iran trong việc mua bán các loại công nghệ nhạy cảm này từ nước ngoài vì có rất nhiều thành phần, linh kiện của tên lửa hành trình hay công nghệ hạt nhân hiện đang được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự và cả dân sự.
Iran thống trị thị trường buôn lậu vũ khí hủy diệt hàng loạt?
Trong khi quân đội Đức đang ngày càng thể hiện sự yếu kém của mình thì tình báo Đức dường như lại lên ngôi với hàng loạt các mục tiêu trên khắp thế giới. Các đích nhắm để thu thập thông tin tình báo đã được Berlin xác nhận bao gồm Pakistan, Triều Tiên, Iran và Syria.
Theo các báo cáo của tình báo Đức, đích đến cuối cùng của những món hàng quân sự nhạy cảm giữa các nước kể trên là điều cực kỳ khó xác định do mỗi món hàng khi được mua theo đường dây này sẽ lọt vào một mạng lưới bao gồm các công ty, tập đoàn ma được lập nên bởi những quốc gia kể trên và phải qua rất nhiều khâu, tốn rất nhiều thời gian chúng mới về đến đích cuối của mình, vậy nên việc xác định đích đến là điều cực kỳ khó khăn.
Tình báo Đức cũng hé lộ, các công ty của ma của Iran được gọi với cái tên rất mỹ miều đó là "Lữ đoàn Quds". Nhiệm vụ của lực lượng này là thiết lập các mạng lưới công ty đa quốc gia ở nước ngoài, thường là trong lĩnh vực lưu kho, vận tải hàng hóa và từ đó trở thành một mắt xích trong mạng lưới buôn lậu công nghệ phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt không những về Iran mà còn tới các nước khác trên thế giới.
Trung tâm hạt nhân của Iran. Ảnh: Gettyimg. |
Đích đến của chương trình hạt nhân Iran
Năm 2015, Iran cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp Đức cùng Liên Minh Châu Âu đã tham gia vào "Kế hoạch Hành động Toàn diện chung" JCPOA. Theo tuyên bố của kế hoạch này, Iran sẽ phải dừng chương trình hạt nhân của mình bù lại, Iran sẽ được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bởi các nước phương Tây và Mỹ. Cơ quan giám sát hạt nhân quốc tế IAEA đã được chọn làm đơn vị đại diện giám sát thỏa thuận này của Iran và tới nay, IAEA vẫn chưa tìm ra bất cứ sự vi phạm nào ở quốc gia hồi giáo này.
Tuy nhiên, thỏa thuận kể trên không hề ảnh hưởng tới các chương trình tên lửa của Iran vì các chương trình này nằm ngoài khuôn khổ của "Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt". Ngày 23/9/2017, Iran thông báo họ đã thành công thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo tầm trung mang tên "Khorramshahr" và tới nay, nước này đã khẳng định đang sở hữu ít nhất ba loại tên lửa có tầm bắn tối đa lên tới 2000 km.
Tình báo Đức khẳng định, thay vì phải chia nhỏ ngân sách để gồng gánh theo chương trình hạt nhân cực kỳ tốn kém của mình thì giờ đây, Iran đang có cơ hội phát triển vượt bậc công nghệ tên lửa khi nước này gần như đang đổ hết tiền của của mình vào việc nghiên cứu tên lửa tầm xa.
Mặc dù vậy, vấn đề hạt nhân Iran lại một lần nữa trở nên căng thẳng từ hồi tháng 5, sau khi Tổng thống Mỹ ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Bởi chính quyền của ông Trump lo ngại Iran sẽ trở thành một "Triều Tiên thứ hai" khi họ nắm trong tay các công nghệ cần thiết cho phép tích hợp một đầu đạn hạt nhân lên trên một tên lửa đạn đạo điều sẽ khiến con đường sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran trở nên dễ dàng hơn
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo Kiến thức