Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi THPT quốc gia 2017 ĐÀO NGỌC THẠCH |
Hội nghị được tổ chức trực tuyến qua 5 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.
Liệu có chuyện “lấy bài thi ra sửa lại” ?
Phát biểu tại đầu cầu TP.HCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nêu nhiều lo ngại về những tiêu cực có thể xảy ra trong kỳ thi.
Ông Dũng nói: “Kỳ thi “2 trong 1” nhưng nếu điểm số không công bằng giữa các vùng miền thì việc xét tuyển vào ĐH rất khó. Một số địa phương dán giấy niêm phong rất dày, tôi đã thử kéo ra và dán lại và thấy hoàn toàn bình thường. Điều này cho thấy công tác bảo quản, niêm phong bài thi đang rất lỏng lẻo. Nếu muốn, việc tháo niêm phong lấy bài ra sửa lại là có thể thực hiện được”. Vì vậy, ông Dũng đề xuất cần có quy định chung về giấy niêm phong, tem niêm phong sau khi gỡ ra phải rách chứ không thể dán lại.
Cũng theo ông Dũng, bài thi tự luận cũng có thể xảy ra tiêu cực. Ví dụ, nếu muốn vẫn có thể rút bài ra để thực hiện thêm trên phần giấy trắng còn trống. Vì vậy cần có thêm quy định phần giấy trắng còn trống trong bài tự luận phải gạch chéo.
Bổ sung, ông Nam Nhật Minh, Phó trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh và công nhận văn bằng (Bộ GD-ĐT), nói: “Năm nay việc bảo mật tại điểm thi đến khu vực chấm thi được hướng dẫn rất chi tiết, để đảm bảo không có tình trạng bài thi lấy ra để coi lại. Tại điểm thi cũng có quy định thùng đựng bài thi có khóa niêm phong và được công an giám sát”.
“Chúng ta nghi ngờ việc đánh tráo bài thi, nếu thực hiện đúng quy trình thì việc này khó có thể xảy ra. Quy định niêm phong túi bài thi năm nay là sử dụng tem mỏng, trên đó phải có đầy đủ chữ kỹ của cán bộ coi thi và phó trưởng điểm, trong đó có cán bộ đến từ trường ĐH, CĐ làm phó trưởng điểm”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Minh nói thêm, năm nay cũng cử thanh tra cắm chốt, thanh tra sở về giám sát chấm bài thi trắc nghiệm. Mọi việc đảm bảo không thể xảy ra tình trạng tô lại bài thi. Những người được vào phòng chấm bài thi cũng không được mang theo bất kỳ vật dụng nào.
Giám thị cũng là một trong những yếu tố then chốt tạo ra một kỳ thi nghiêm túc. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Cố gắng không chủ quan trong việc tập huấn giám thị để nắm thật chắc quy chế, không bỏ qua cũng tuyệt đối không “sáng tạo” tránh dẫn đến sai sót đáng tiếc, gây hậu quả không nhỏ cho xã hội”.
Trường có xác định điểm sàn quá thấp ?
Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, một trong những điểm mới năm nay của quy chế tuyển sinh là các trường ĐH (trừ những ngành đào tạo giáo viên) tự xác định điểm sàn sau khi có kết quả thi và bắt đầu thực hiện việc xét tuyển. Bộ yêu cầu các trường phải công khai điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển, mức điểm sàn của các trường sẽ được giám sát bởi xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông. Do đó, những trường điểm sàn quá thấp sẽ bị “bêu tên”, uy tín của trường sẽ giảm sút, việc tuyển sinh sẽ càng thêm khó khăn.
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, cho biết yêu cầu các trường công bố ngưỡng chất lượng đầu vào là một động thái rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để thuận lợi cho thí sinh, các trường cũng không nên quy định quá chi tiết (ngưỡng với từng ngành, với từng tổ hợp xét tuyển) mà rối.
Theo ông Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, mỗi trường muốn tự xác định điểm sàn cho chính mình thì phải dựa vào 2 tham số: thực tế tuyển sinh những năm trước (trong đó có cả thông tin về điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đặt ra), phổ điểm theo từng tổ hợp xét tuyển. “Chúng tôi mong Bộ sớm công bố phổ điểm của từng tổ hợp, đặc biệt là với 5 tổ hợp cơ bản, để các trường có thể gửi thông báo sớm nhất tới thí sinh về mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường mình. Cũng mong báo chí tham gia “xếp loại” điểm sàn của các trường, làm minh bạch việc xác định điểm sàn của các trường”.
Liên quan đến xét tuyển, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng các trường cần chấp nhận năm 2018 quy mô tuyển sinh có thể không nhiều nhưng nếu chất lượng thì trong vài năm tới sẽ tăng quy mô. Năm nay Bộ giao các trường tự xác định điểm sàn, nếu trường mở rộng ra để tăng quy mô thì đó sẽ là vòng luẩn quẩn giữa chất lượng thấp, ít người vào thì phát triển không được.
Sợ cạn nguồn tuyển sinh của các trường nhỏ
Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, cho biết nhóm các trường ĐH khu vực bắc miền Trung đưa ra một số đề nghị liên quan tới tuyển sinh, trong đó lưu ý Bộ GD-ĐT cần có biện pháp kiểm tra chặt chẽ việc tuyển sinh của một số trường ĐH lớn ở các thành phố lớn. Xu hướng hiện nay là nhiều thí sinh dịch chuyển từ các tỉnh nhỏ ra thành phố lớn học ĐH. Nếu các trường lớn ở những thành phố này tuyển vượt chỉ tiêu thì sẽ vét cạn nguồn tuyển sinh của các trường ở tỉnh.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Dưỡng, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, đại diện nhóm trường nam Trung bộ, cho biết các trường nhóm này đề nghị Bộ đưa ra các yêu cầu để các trường tốp trên phải công bố điểm sàn của mình sớm hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tốp dưới.
Tác giả: Hà Ánh
Nguồn tin: Báo Thanh Niên