Tiểu thương kinh doanh ở các chợ truyền thống sẽ bán hàng Tết thông qua các ứng dụng (app). Ảnh: Đ.V |
Theo các đơn vị nghiên cứu, dù các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tạp hóa… vẫn duy trì mức phát triển ổn định.
Nghiên cứu thị trường của Nielsen cho thấy, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần khoảng 75%. Doanh thu của các kênh bán lẻ truyền thống đạt trên dưới 10 tỷ USD/năm.
Còn theo số liệu nghiên cứu của Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Chính vì nhu cầu và thị phần dành cho các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn rất lớn nên đây là thị trường tiềm năng để dịch vụ "đi chợ hộ" phát triển.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, đại diện Grab Việt Nam cho biết, đơn vị này đang triển khai số hóa chợ truyền thống để hỗ trợ tiểu thương kinh doanh online.
Tiểu thương tại các chợ muốn kinh doanh trên nền tảng số sẽ phải cung cấp các giấy tờ theo quy định cũng như các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm và các thủ tục khác liên quan. Sau các bước thẩm định độ tin cậy, chất lượng của sạp, cửa hàng. Tiểu thương sẽ đưa hàng hóa của mình lên nền tảng của Grab và tiếp cận với lượng khách hàng mới.
Khi có người đặt đơn hàng, đội ngũ tài xế sẽ đến nhận hàng và giao hàng đến tay người dùng với thời gian từ 30 - 60 phút.
"Doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp nhỏ chủ yếu là hoạt động offline và họ cần ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để không bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế số. Việc có thêm gian hàng online sẽ hỗ trợ tiểu thương duy trì hoạt động và thích nghi tốt hơn trong giai đoạn bình thường mới", bà Vân nói.
Theo bà Vân, việc người dùng có thể mua thịt, cá, rau củ quả, trứng, hoa tươi ở chợ ngay trên ứng dụng sẽ giúp các tài xế có thêm cơ hội nâng cao thu nhập. Người tài xế có thể chở khách, giao thức ăn, giao hàng hóa hoặc giao nhu yếu phẩm…
"Dịp Tết, mọi người đều bận rộn với công việc của mình. Việc đi chợ sẽ mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là những ngày cao điểm như 27 hay 28 Tết. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ đi chợ cho khách hàng để những người bận rộn không cần bận tâm đến vấn đề này", bà Vân chia sẻ.
Cũng theo bà Vân, đơn vị này đã thử nghiệm đưa chợ truyền thống lên ứng dụng của mình vào tháng 9/2020 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Kết quả ban đầu là khá tích cực, lượng đơn hàng trung bình/ngày của tiểu thương trong tháng 12/2020 đã tăng gấp 2 lần so với tháng 11.
Không phải sạp kinh doanh nào tại chợ truyền thống cũng được tham gia bán hàng online trên ứng dụng. Ảnh: Đại Việt |
Trước đó, một số nền tảng như Be, Now cũng đã triển khai dịch vụ "đi chợ hộ". Tuy nhiên, các dịch vụ này chủ yếu là mua sắm giúp người dùng ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc các cửa hàng thực phẩm có thương hiệu và chưa "lấn sân" qua chợ truyền thống. Ứng dụng Go Jek cũng chưa tham gia vào thị trường "đi chợ hộ".
Còn trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, người dùng cũng có thể mua thịt heo, thịt bò, gà, cá, rau xanh… một cách dễ dàng. Tuy nhiên, các gian hàng kinh doanh trên các sàn này thường là các siêu thị, doanh nghiệp đã có "tên tuổi" và chưa xuất hiện tiểu thương của chợ truyền thống.
Bà Phạm Thị Hoa, tiểu thương chợ Hòa Hưng (quận 10) cho biết, bà đang kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm khô. Dù đã 48 tuổi nhưng bà cũng sẵn sàng áp dụng công nghệ vào kinh doanh để tăng doanh thu. Tuy nhiên, bà sẽ tìm hiểu thêm về mức chiết khấu khi tham gia kinh doanh online trên các ứng dụng.
"Tôi phải cân nhắc về mức chiết khấu, bởi giá thành sản phẩm có thể sẽ tăng nhẹ khi bán qua mạng. Nếu các ứng dụng công nghệ miễn phí chiết khấu cho tiểu thương thì chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường rất khó xảy ra tình huống này. Mọi người đều cần phải sòng phẳng trong việc chia sẻ lợi nhuận", bà Hoa nói.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, một bộ phận tiểu thương tại các chợ ở TPHCM cũng chưa mặn mà với việc tham gia bán hàng trên mạng. Bởi theo các tiểu thương, việc kinh doanh nhiều năm qua đã tạo cho họ một lượng khách ổn định. Nếu có thêm lượng khách mới thì càng tốt nhưng nếu không lấy được lượng khách mời này thì tiểu thương cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Chị Vân Anh (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) cho biết, việc "đi chợ hộ" sẽ tiêu tốn của người dùng khoảng trên dưới 40.000 đồng bao gồm tiền đi chợ hộ, tiền vận chuyển. Chưa kể đến việc người đi chợ hộ có thể mua hàng không đúng như mong muốn của người dùng.
"Nếu đi chợ với giá trị lớn từ 400.000 - 500.000 đồng thì chi phí mua hộ cũng là phù hợp. Tuy nhiên, nếu mua những đơn hàng giá trị nhỏ thì chúng tôi sẽ tự ra chợ để mua để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc đi chợ mua sắm cũng là niềm vui và sở thích của rất nhiều người", chị Vân Anh nói.
Tác giả: Đại Việt
Nguồn tin: Báo Dân trí