Một báo cáo mới từ hãng dịch vụ tài chính ngân hàng JP Morgan cho biết, Apple đã tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất iPhone mới so với iPhone XS lên tới 12%. Tuy vậy, người dùng có rất ít khả năng được hưởng lợi từ việc này.
Theo đó, hóa đơn chi phí vật liệu cho iPhone 11 đã giảm từ 30 - 50 USD và chi phí vật liệu cho iPhone XS Max hàng đầu của Apple có giá chỉ 433 USD (giảm từ 7 - 12% so với chi phí trước đó).
Trong khi JP Morgan cho rằng, Apple tập trung vào giảm giá bộ nhớ, nhưng có thể Táo khuyết đã bỏ một tính năng chính nào đó của iPhone năm nay. Điều này chắc chắn giúp hạ giá iPhone 11.
Mẫu iPhone 11 sắp ra mắt
|
Thế nhưng tại sao người dùng lại không được hưởng lợi từ việc giảm giá chi phí vật liệu cho iPhone này của Apple?
Theo JP Morgan, việc cắt giảm chi phí giúp Táo khuyết giảm gánh nặng thuế quan 10% với iPhone được sản xuất tại Trung Quốc (phần lớn iPhone được sản xuất tại Trung Quốc) khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng.
JP Morgan lưu ý rằng, với việc chịu thuế 10%, doanh thu của Apple có thể chịu thiệt hại 8%. Thế nhưng có đến 2/3 doanh số iPhone ở ngoài nước Mỹ và hãng này cũng không có kế hoạch giảm giá iPhone. Như vậy Táo khuyết vẫn hưởng lợi từ việc giảm chi phí sản xuất.
Apple cũng không dự định giảm giá iPhone tại Mỹ, ngay cả khi không bị áp thuế 10%.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là, liệu iPhone 11 có thực sự đủ sức hấp dẫn để Apple giữ nguyên mức giá như người tiền nhiệm của nó hay không.
Hình ảnh render mẫu iPhone 11
|
Những rò rỉ gần đây đã tiết lộ khá nhiều về iPhone 11, dù có thể sẽ còn 1 vài yếu tố bất ngờ được Apple giữ kín để tạo hấp dẫn bất ngờ. Nhưng các mô hình được tiết lộ nhận được đánh giá tiêu cực, iPhone 11 khá xấu và không có gì khác biệt lớn với phiên bản trước.
Hơn nữa, thông tin về iPhone 2020 lan truyền với một thiết kế mới, kích thước và màn hình thay đổi, camera 3D, hỗ trợ mạng 5G,... có thể ngăn cản nhiều người nâng cấp iPhone mới trong năm nay.
Tác giả: Hải Nguyên
Nguồn tin: Báo VietNamNet