Đối với người dân ở vùng ngoại ô Montclair, New Jersey, Mỹ, mọi chuyện thật quá đỗi bất ngờ, khi họ biết được người hàng xóm điềm đạm, hiền hòa của họ hóa ra là gián điệp đến từ nước Nga.
Khi cặp đôi hoàn hảo là…điệp viên
Ẩn giấu trong vỏ bọc một gia đình tầng lớp trung lưu điển hình, vợ chồng nhà Guryev là điệp viên nằm vùng của Nga ở Mỹ. |
Cặp vợ chồng mang tên Richard và Cynthia Murphy có một cuộc sống giống như bao gia đình khác trên nước Mỹ. Họ sinh hoạt trong một ngôi nhà đặc trưng của tầng lớp trung lưu điển hình cùng hai đứa trẻ. Người vợ Cynthia là chuyên gia về kế hoạch tài chính tại một công ty kế toán gần Manhattan. Richard nói với hàng xóm rằng ông ở nhà chăm sóc cho hai cô con gái 9 và 11 tuổi.
Sự thật gây sốc chỉ được phát hiện sau cuộc đột kích của FBI vào năm 2010 và tên thật của Richard và Cynthia thực ra là Vladimir và Lydia Guryev.
"Bạn có thể nói với tôi họ là người sao Hỏa từ vũ trụ xuống có lẽ còn khiến tôi ít ngạc nhiên hơn việc gọi họ là gián điệp”, Elizabeth Lapin, người hàng xóm gần đó nói với CNN.
Cặp đôi mang họ Guryev đã làm nhiệm vụ thu thập thông tin cho Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) của Nga từ những năm 1990, mà FBI mô tả là KGB (cơ quan tình báo nổi tiếng của Liên Xô) thời hiện đại.
Vào ngày 27/6/2010, FBI bắt giữ cặp đôi Guryev cùng với 8 người bị cáo buộc là gián điệp khác của Nga ở Manhattan, Yonkers, Boston và miền bắc Virginia.
Thuật ẩn mình trong đám đông
Trong khi các gián điệp ẩn náu dưới mác “người Mỹ” thường dễ bị lộ hành tung, cặp đôi người Nga Guryev dường như đã che giấu thân phận của mình một cách xuất sắc.
“Họ không hành động liều lĩnh, cũng như chẳng tỏ ra có gì đó mất tự nhiên”, một người dân trong khu phố cho biết.
Địa điểm mà cặp đôi lựa chọn nằm vùng được đánh giá là hoàn hảo, khi chỉ mất 30 phút đi bằng xe buýt để tới Manhattan, trung tâm sầm uất nhất của New York.
Ngoài ra, căn nhà hết sức bình thường của họ là nơi lý tưởng để các điệp viên trao đổi thông tin dễ dàng mà tránh được những ánh mắt tò mò.
Ngôi nhà hết sức bình thường này là nơi lý tưởng để các điệp viên tụ họp. |
Gia đình Guryev không quảng giao, nhưng họ cũng không quá khép kín. Hàng xóm nói đôi khi họ tham dự những hoạt động mùa hè trong khu phố. Người vợ được mô tả là hấp dẫn và có cách ăn mặc độc đáo.
Trước khi cuộc bắt giữ được tiến hành, người ta vẫn thấy người hàng xóm điệp viên dắt chó đi dạo như không hề biết trước rủi ro đang ập đến. Khi FBI ào vào căn nhà, mọi thứ diễn ra nhanh gọn và không hề có sự kháng cự nào.
FBI và CIA đầu tiên biết về các nhóm gián điệp SVR đang ẩn sâu trong lòng nước Mỹ vào đầu những năm 2000. Những nhân vật này nằm vùng một cách "bất hợp pháp", nghĩa là không có quyền bảo vệ ngoại giao.
Năm 2009, FBI thu được video của một cuộc gặp bí mật giữa người chồng Vladimir và một quan chức Chính phủ Nga.
Sau đó, khi bí mật lục soát căn nhà của hai đối tượng này, FBI thu được một cuốn sổ tay có những quy tắc giúp họ giải được các thông điệp bị mã hóa vốn được cặp đôi sử dụng để liên lạc với cơ quan đầu não ở Moscow.
Hệ thống chữ số kỳ lạ trên cuốn sổ là các tổ hợp phím trên máy tính. Sau khi dò được mật khẩu gồm 27 ký tự, nhóm điều tra đã mở được thông điệp ẩn giấu bên trong.
FBI đã đọc lén những thông tin này trong một thời gian dài và biết được những kế hoạch tiếp theo của cả hai. Sau khi thu thập được chứng cứ, các nhà chức trách quyết định đã đến lúc phải bắt giữ đường dây gián điệp.
Cuốn sổ tay chứa các quy tắc được mã hóa nhằm che giấu các thông điệp |
Hai tuần sau cuộc đột kích của FBI, Moscow và Washington đã có với nhau một thỏa thuận. Sau khi 10 cá nhân bị bắt khác bên cạnh cặp đôi Guryev đã thừa nhận là điệp viên, Mỹ đã đồng ý chuyển giao cho phía Nga.
Đổi lại, Moscow đồng ý trả tự do cho 4 cá nhân đang bị giam giữ do cáo buộc liên hệ với các cơ quan tình báo phương Tây.
Trong khi đó Kate và Lisa – hai người con của cặp vợ chồng Guryev được sinh ra tại Mỹ cũng được đưa trở về Nga trong sự ngỡ ngàng. Chúng phải rời bỏ bạn bè một cách đột ngột và gặp phải cú sốc lớn.
Eric O'Neill, cựu nhân viên của FBI cho rằng, việc các gián điệp ở nước ngoài có con là một quyết định bất thường, bởi điều này có thể khiến lòng trung thành của họ bị lung lay.
"Khi là một phụ huynh, bạn phải có trách nhiệm chăm sóc những đứa con của mình. Bạn có nghĩa vụ phải đặt chúng ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Một điệp viên không thể làm được điều đó", O'Neill chỉ ra.
Vào thời điểm năm 2010, việc gián điệp Nga ẩn mình tại khu vực dân cư khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ. Nhưng khi những căng thẳng tăng cao giữa Nga và Mỹ hiện tại, thông tin về gián điệp Nga sống giữa xã hội Mỹ dường như chẳng có điều gì bất thường.
Cựu nhân viên tình báo KGB Oleg Kalugin nói với CNN, ông "không thấy bất ngờ" khi biết Nga vẫn triển khai chương trình gián điệp tại Mỹ. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này lãng phí và không hiệu quả.
Tác giả: Quốc Vinh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin