Trong tỉnh

Tiếp vụ "quên" báo cáo thiệt hại: Ngao chết trắng bãi, xã không thống kê!

Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc thừa nhận, nguyên nhân chính gây chết ngao hàng loạt tại xã Hải Lộc là do "bùn lũ thiên tai phủ quá dày". Nhưng địa phương không thống kê thiệt hại.



(Clip ghi lại hiện trạng ngao chết trắng bãi tại Hải Lộc)

Sau khi Pháp luật Plus phản ánh vụ việc, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn khẩn số 2458-CV/VPTU gửi Thường trực huyện Hậu Lộc làm rõ và báo cáo việc "bỏ quên thống kê thiệt hại của xã Hải Lộc sau 2 cơn bão lũ", Huyện ủy đã triển khai rà soát, đồng thời báo cáo Tỉnh ủy tại công văn số 100/BC-HU ngày 17/11.

Trao đổi với Pháp luật Plus, ông Nguyễn Văn Ấp, Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc cho biết, qua kiểm tra, hiện bãi ngao xã Hải Lộc có lượng ngao chết khá lớn. Nguyên nhân chính gây chết ngao hàng loạt tại xã Hải Lộc là do "bùn lũ thiên tai phủ quá dày".

Ngao chết trắng bãi Hải Lộc từ hơn 1 tháng qua. (Ảnh: Anh Thắng)

Ông Ấp cũng thừa nhận, trong báo cáo thống kê thiệt hại sau bão lũ của huyện Hậu Lộc gửi tỉnh Thanh Hóa không hề có thống kê lượng ngao chết.

Xuất phát từ việc trong báo cáo của xã Hải Lộc gửi huyện vào thời điểm sau bão lũ đã không có nội dung về ngao chết hàng loạt.

Tại báo cáo số 100/BC-HU ngày 17/11 gửi Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu: "Ngày 30/10/2017, UBND huyện tổng hợp chốt số liệu thiệt hại nhưng trong báo cáo tổng hợp của UBND xã Hải Lộc và các xã ven biển trong huyện không có diện tích ngao nuôi bị thiệt hại, không có diện tích ao, đầm nuôi trồng thủy sản của xã Hải Lộc bị thiệt hại (kể cả sau bão số 10 và đợt lũ lụt ngày 9-12/10/2017)".

Một tháng qua, người dân Hải Lộc lao đao thu dọn bùn và xác ngao chết. (Ảnh: Anh Thắng)

Theo ông Ấp, huyện Hậu Lộc đã triển khai nhiều công tác đối phó bão lũ, thống kê thiệt hại và khắc phục hậu quả sau bão lũ rất bài bản, kỹ lưỡng bằng các cuộc họp, văn bản chỉ đạo.

Sau bão lũ đã họp 27 Chủ tịch các xã và thị trấn trên toàn huyện để phổ biến, triển khai công tác thống kê thiệt hại.

Việc kê khai thiệt hại sau lụt bão huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo đồng bộ xuống các xã, quy định đến ngày 30/10 các xã phải có báo cáo thiệt hại tổng thể về huyện, đến ngày 5/11 huyện phải có báo cáo về tỉnh. Xã Hải Lộc không có báo cáo về tình hình ngao chết.

Nhưng theo tìm hiểu, tại công văn số 937/UBND-NN ngày 27/9/2017 cả UBND huyện Hậu Lộc về "v/v hướng dẫn, rà soát, thống kê thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng của bão số 10", đề "Kính gửi Chủ tịch UBND các xã Đa Lộc, Hưng Lộc, Xuân Lộc, Hòa Lộc và Thuần Lộc". Riêng xã Hải Lộc đã chính thức bị "bỏ quên" từ thời điểm ban đầu!

Huyện ủy Hậu Lộc báo cáo Tỉnh ủy Thanh Hóa về những thông tin Phapluatplus.vn (báo Pháp luật Việt Nam) đăng tải

"Nếu UBND xã Hải Lộc không thực hiện thông báo cho người dân cách thức kê khai thiệt hại sau bão lũ, thì lỗi xảy ra thuộc về UBND xã. Nếu đã thông báo, nhưng người dân không thực hiện kê khai tài sản thiệt hại, thì lỗi là từ phía người dân", ông Nguyễn Văn Ấp thẳng thắn.

Tuy nhiên, sau 20 ngày kể từ khi báo chí phản ánh, lãnh đạo Huyện ủy cũng như bà Nguyễn Thị Liên-Trưởng phòng NN&PTNT Hậu Lộc vẫn "chưa thể nắm được việc UBND xã Hải Lộc có thực hiện việc thông báo cho người dân hay không"? Điều đó đồng nghĩa, nội dung báo cáo Tỉnh ủy vẫn né tránh việc chỉ ra trách nhiệm thuộc về ai và ít nhiều mang tính đối phó.

Người dân lao đao vì ngao chết, chính quyền thờ ơ

Theo bà Liên, việc không thống kê thiệt hại về ngao chết tại xã Hải Lộc sau bão lũ là do phòng NN&PTNT và xã nhận thấy "ngao chết không nhiều, chưa có thiệt hại lớn" tính đến ngày 30/10. Xã Hải Lộc không báo cáo, thì phòng NN&PTNT sẽ không thống kê.

Khá xa với những thông tin chính quyền đưa ra, ngao tại biển Hải Lộc chết dưới lớp bùn hơn 1 tháng qua. (Ảnh: Anh Thắng)

Cũng ngày 30/10, UBND xã Hải Lộc nhận được đơn kiến nghị của 58 hộ dân phản ánh tình trạng ngao chết hàng loạt. Và chỉ đến lúc này, lập tức đêm 13/12, cán bộ huyện và xã đã ra biển kiểm tra đến 2 giờ sáng mới kết thúc.

Bà Liên thừa nhận, do đang thời điểm đó là lúc nước sinh (tức triều cường đang cao), đoàn công tác chỉ đi lội ven phía nam của bãi, không đến được những hộ giáp mép sông cửa lạch là nơi bị ngập bùn nặng.

Và kết quả cuộc kiểm tra mang tính "cưỡi ngựa, xem hoa" được công bố tại cuộc họp đối chất với người dân xã Hải Lộc "mật độ ngao sống vẫn còn cao, không đủ điều kiện để thống kê, hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn không thống kê thiệt hại về ngao, thì huyện Hậu Lộc cũng không thiệt hại về ngao".

Không đồng tình với kết quả khảo sát trên, các hộ nuôi ngao xã Hải Lộc tiếp tục kiến nghị. Đến ngày 8/11, xã Hải Lộc đã tiến hành lập hai đoàn khảo sát kiểm tra 35 hộ dân vùng bãi triều mép sông cửa lạch, kết quả ban đầu có 15 hộ ngao chết từ 70-90%, các hộ còn lại tỷ lệ ngao còn không đáng kể.

Nhiều hộ dân cho biết, nguyên nhân ngao chết cao là do bùn phù sa lắng đọng từ phía thượng nguồn đổ về , tuy nhiên điều khiến nhiều hộ dân bức xúc là việc ngao chết không được đưa vào trong báo cáo thiệt hại lụt bão của xã hải Lộc.

Mỗi ngày, gia đình ông Ba vừa cào bùn, hốt chừng 50-60 bì xác ngao chết. (Ảnh: Anh Thắng)

Ngày 21/11, đại diện các ban ngành Sở NN&PTNT Thanh Hóa, phòng NN&PTNT Hậu Lộc, UBND xã Hải Lộc, đại diện Đồn Biên phòng 114 đã tổ chức đi khảo sát tại bãi ngao Hải Lộc. Kết quả khảo sát tại 14 hộ đã có những hộ chết tới 80-90%.

Ông Phạm Văn Ba, trú tại thôn Lộc Tiên (Hải Lộc, Hậu Lộc) bức xúc nói "Đây là sự gian dối từ chính quyền xã và Phòng NN&PTNT của huyện. Từ ngày 19/10, các hộ dân đã phát hiện ngao chết hàng loạt. Những ngày tiếp theo, phần lớn các gia đình đều đổ ra biển, cả bãi trở thành đại công trường thu dọn ngao chết.

Ngày 24/10, chúng tôi đã báo cáo UBND xã Hải Lộc. Nhưng chính quyền xã vẫn bỏ mặc. Giờ lại nói là ngao chết không đáng kể và không hay biết là hết sức vô lý".

Có mặt tại bãi ngao Hải Lộc vào những ngày qua, chúng tôi vẫn bắt gặp cảnh rất đông người dân đang hốt bùn, thu dọn ngao chết.

Hàng chục bì vỏ ngao chết được dồn đống mang đi đổ; từng vạt ngao chết trắng bãi chờ thu gom. Tất cả lầm lũi, cần mẫn cào từng đống ngao trong nước mắt và gánh nặng trắng tay, sạt nghiệp.

Nhiều hộ nuôi ngao bất bình bởi ngao chết lên đến hàng chục tỉ, chất đống ngoài bãi, nhưng chính quyền vẫn cho rằng "chết không đáng kể". (Ảnh: Anh Thắng)

Ông Nguyễn Văn Bằng (thôn Lộc Tiên) đầu năm nay đầu tư thả ngao giống 1,2 tỉ đồng, nhưng giờ đã mất trắng. Mỗi ngày ông Bằng thuê người cào, gom cả tấn vỏ ngao chết.

Ông Phạm Văn Ba đầu tư 2,5 tỉ ngao giống từ đầu năm, giờ cũng mất gần hết. Hơn 1 tháng nay, ông Ba thuê mỗi ngày gần 2 chục người, vừa dọn bùn vừa bốc bao chết. Ngày nào cũng gom chừng 50-60 bao vỏ ngao đổ ra biển.

Phần lớn hộ nuôi ngao đều chung cảnh ngộ. Có gia đình như ông Trịnh Quang Hà, Nguyễn Văn Quỳnh bất lực và khánh kiệt, bỏ nguyên bãi ngao chết ngập dưới cả gang tay bùn cho đến nay.

Trước thực trạng trên, Bí thư huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Ấp cho biết, huyện sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo lên tỉnh nhằm đề xuất phương án hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi ngao.

Dĩ nhiên, việc hỗ trợ hay không là do tỉnh quyết định và phải phù hợp quy định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Hoàng Anh Thắng

Nguồn tin: Báo Pháp luật plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok