► 'Nên dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc từ năm 2017'
LTS: Trước thông tin Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như một ngoại ngữ thứ nhất; cô giáo Phan Tuyết có bài viết cho rằng những ngoại ngữ này học khó hơn tiếng Anh, trong khi tiếng Anh vẫn chưa được đào tạo chất lượng thì những ngoại ngữ mở rộng liệu có khả thi?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Trước thông tin, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cho dạy thí điểm tiếng Nga và tiếng Trung ở lớp 3 và xem như một ngoại ngữ thứ nhất; thông tin trên, đã gặp phải phản ứng quyết liệt từ một số chuyên gia giáo dục và chính các bậc phụ huynh học sinh.
Bà Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt đã trả lời trên truyền hình:
“Học bất kỳ ngôn ngữ gì cũng tốt, quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo có khiến cho con trẻ Việt Nam tự tin sử dụng sau lộ trình đào tạo? Hay chúng ta cứ khơi lên, cứ hô hào rồi "đầu voi đuôi chuột"?
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến sáng 17/9 (Ảnh: giaoduc.net.vn).
Nhìn nhận một cách khách quan, tiếng Anh đã được dạy một cách đại trà ở Việt Nam, từ việc học 2 tiết/ tuần với học sinh từ lớp 3 trở lên đến 4 tiết/ tuần.
Trình độ giáo viên dạy Anh văn cũng luôn được đào tạo lại và nâng chuẩn hàng năm nhưng nhìn chung chất lượng học tiếng Anh của học sinh chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ.
Nhiều học sinh lớp 5 ở vùng biển quê tôi sau khi đã hoàn thành xong 3 năm học tiếng Anh nhưng có em chưa giới thiệu nổi tên mình, học lớp mấy, trường nào… Học sinh lớp 12 còn lúng túng khi được hỏi và trả lời bằng tiếng Anh với những câu xã giao thông thường.
Hàng năm, học sinh thi vào lớp 10, tốt nghiệp Trung học Phổ thông có hàng ngàn điểm liệt từ môn tiếng Anh.
Hỏi chuyện giáo viên dạy Anh văn ở một trường Tiểu học được biết:
“Trên lớp, do sĩ số lớp học đông, giáo viên không thể đủ thời gian cho từng học sinh viết từ và phát âm. Các hoạt động diễn ra chủ yếu là nhóm nên số lượng học sinh được đọc để giáo viên sửa cũng hạn chế.
Các em học được chữ nào trên trường là xong về nhà ít em chịu khó viết từ, luyện phát âm nên ngày mai lên lớp lại quên hết những gì đã học”.
Một học sinh học cấp 3 cho biết, giờ Anh văn ở lớp thầy cô cũng chỉ gọi đại diện vài em lên viết từ, nghe cô đọc mẫu, một số học sinh xung phong đọc lại…
Với sĩ số học sinh gần 50 em/ lớp cho 45 phút thực học (trong đó khoảng 10 phút ổn định trật tự) nên có học sinh học qua vài tiết Anh văn vẫn chưa được gọi phát âm lần nào.
Phải chăng vì thế nên khả năng giao tiếp của những học sinh này luôn ở mức độ dưới trung bình? (ngoài những em gia đình cho học thêm ở các trung tâm Anh ngữ trong thị xã).
Môn tiếng Anh được đánh giá là tiếng thông dụng của quốc tế học dễ hơn nhiều tiếng Trung mà học sinh còn tiếp thu chậm như vậy; tiếng Trung là ngôn ngữ tượng hình, cách phát âm và viết ngay cả với học sinh nước họ cũng không hề đơn giản huống gì học sinh của chúng ta?
Lẽ khác, tiếng Nga, tiếng Trung không thông dụng nên nhiều phụ huynh cũng chẳng giúp được gì cho con dù chỉ là những điều đơn giản nhất.
Nhiều người cho rằng, chỉ nên xem tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất và cho học sinh học đại trà, những ngoại ngữ khác gia đình nào có điều kiện, con cái họ có khả năng thì đăng kí học thêm cũng rất tốt.
Chưa nói đến học sinh vùng nông thôn tiếng Việt nói chưa rành, học lớp 3 còn ê a từng chữ liệu khi học tiếng Nga, tiếng Trung có hiệu quả?
Tác giả bài viết: Phan Tuyết