►Nam Em tiếc không vào Top 4 Miss Earth vì sự cố phiên dịch
►Hành trình Nam Em vào Top 8 Miss Earth 2016
►Nam Em được kỳ vọng vào top 16 tại Miss Earth 2016
►Đứng đầu châu Á phần thi phụ, Nam Em hồi hộp trước Chung kết Miss Earth
Tại phần thi ứng xử của top 8 Hoa hậu Trái Đất vào ngày 29/10 vừa qua, Nam Em trả lời bằng tiếng Việt và có người phiên dịch. Đề bài mà Nam Em nhận được là hashtag (dịch tiếng Việt) là “'Khả năng để tạo ra một sự thay đổi”. Tuy nhiên, khi MC đọc câu hỏi hai lần, thông dịch viên cho phần trả lời của Nam Em (do BTC sắp xếp) vẫn tỏ ra chưa hiểu. Đến lần thứ ba, anh mới có thể dịch ra tiếng Việt nhưng nói ấp úng.
Nam Em cố gắng giữ phong độ bình tĩnh và nụ cười trên môi dù phiên dịch cho cô còn đang ấp úng.
Nam Em gặp sự cố trong phần thi ứng xử vì phiên dịch viên do BTC chỉ định
Trước sự lúng túng của thông dịch, Nam Em vẫn bình tĩnh giữ thần thái và nụ cười, ngay sau đó cô trả lời: “Khả năng tạo ra sự thay đổi là luôn nỗ lực hết mình, tin vào những gì mình đã làm và đã đạt được”.
Ngay đó, thông dịch cũng không truyền tải đủ thông điệp mà Nam Em muốn thể hiện. Khi được hỏi tại sao không trả lời bằng tiếng Anh mà lại cần đến thông dịch khiến cô gặp sự cố đáng tiếc, Nam Em cho biết, lần đầu đại diện Việt Nam được tham gia ứng xử tại Miss Earth nên cô muốn trả lời sâu hơn và cũng muốn tiếng Việt được biết đến nhiều hơn.
Dùng phiên dịch là “chiêu” của nhiều người đẹp quốc tế
Dư luận trong nước đã có sự tranh cãi sau sự cố đáng tiếc mà Nam Em gặp phải. Nhiều người cho rằng đây là sự cố đáng tiếc khiến Nam Em trượt top 4 mà lí do chủ yếu là ở người thông dịch. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bất lợi về ngoại ngữ mà cụ thể tiếng Anh là yếu tố khiến nhiều nhan sắc Việt chưa đi xa hơn được trên đấu trường nhan sắc quốc tế.
Để rộng đường dư luận, Dân trí đã có cuộc PV ông Nguyễn Chiến Hữu Giám đốc quốc gia Hoa hậu Trái đất Việt Nam - đơn vị giữ bản quyền đưa Nam Em dự thi và các người đẹp từng chinh chiến quốc tế.
Ông Nguyễn Chiến Hữu (ngoài cùng bên trái) - đại diện đơn vị nắm giữ bản quyền đưa Nam Em dự thi Hoa hậu Trái đất 2016.
Trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Chiến Hữu - Giám đốc quốc gia Hoa hậu Trái đất Việt Nam (Giám đốc Helios Media) cho biết: “Chúng tôi khẳng định ngoại ngữ là vấn đề quan trọng, chúng ta ra quốc tế thì giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ thông giúp thí sinh giao lưu tốt hơn. Nhưng đặt trong khuôn khổ cuộc thi này, chúng tôi xác định ngay từ đầu phải chọn tiếng Việt để chuyển tải thông điệp nhanh nhất đến cộng đồng mình trước.
Video dự án cộng đồng của Nam Em, chúng tôi cũng chọn tiếng Việt (chạy phụ đề tiếng Anh) để truyền tải ý nghĩa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người Việt trước đã, cũng nhờ vậy mà hiệu ứng trong nước và quốc tế rất tốt”.
Clip giới thiệu dự án bảo vệ môi trường của Nam Em sử dụng phụ đề
“Về ứng xử, chúng tôi xác định ngay từ đầu, nếu may mắn vào Top 8 vẫn chọn tiếng Việt. Chưa bao giờ Việt Nam được ứng xử tại Miss Earth, chúng tôi mong tiếng Việt được cất lên trước hàng tỉ người xem truyền hình (kênh Star World) cũng như khán giả tại sân khấu. Nói thật, Nam Em cũng rất tự hào khi tiếng Việt được cất lên”, ông Chiến Hữu khẳng định.
Nam Em rất tự hào khi tiếng Việt được cất lên.
“Trong Top 8 năm nay, có đến 5 cô dùng phiên dịch. Không phải họ không có khả năng nói tiếng Anh nhưng khi phiên dịch họ sẽ có thêm thời gian để suy nghĩ, đó cũng là chiêu của rất nhiều người đẹp quốc tế khác. Chúng tôi tự hào khi Nam Em dùng tiếng Việt và thể hiện khá tốt tại phần thi ứng xử”, ông Chiến Hữu thông tin thêm.
Đại diện Trung Quốc dùng đến phiên dịch viên dù nói tiếng Anh khá tốt
Ông Chiến Hữu cũng minh chứng trường hợp Á hậu 4 Hoa hậu Hoàn vũ 2011 (người Trung Quốc) La Tử Lâm, mặc dù trình độ tiếng Anh rất tốt nhưng cô vẫn dùng phiên dịch (Cô cũng thi The Face mùa đầu tiên, là thành viên HLV Naomi Campbell và trở thành Á quân).
Phạm Hương: “Ngoại ngữ không thể thiếu khi đi thi”
Với kinh nghiệm từng tham gia cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ và để lại những ấn tượng khá tốt, Hoa hậu Phạm Hương chia sẻ quan điểm và tầm quan trọng của ngoại ngữ khi tham gia các cuộc thi Quốc tế.
“Ngoại ngữ là điểm quan trọng không thể thiếu khi đi thi, vì sang nơi đó mình không có bất kỳ người thân nào hay quản lý, trợ lý đi cùng để trợ giúp. Điều có nghĩa chúng ta phải tự thích nghi với tất cả mọi thứ. Tiếng Anh để kết nối, để mọi người giao tiếp với nhau.
Phạm Hương cho rằng, tiếng Anh là điểm quan trọng, không thể thiếu khi đi thi.
Bình thường, tự tin sẽ giúp bạn rất nhiều, dù chỉ là ngôn ngữ phụ. Nếu tự tin, chúng ta có thể biểu đạt nhiều thứ qua ngôn ngữ hình thể. Không cần quá giỏi nhưng chúng ta có cách để truyền tải cho họ hiểu. Nhưng quan trọng nhất, khó nhất là phải trả lời phỏng vấn trước ban giám khảo, ứng xử, khi phỏng vấn chúng ta không có quá nhiều thời gian. Có thể thời gian như nhau, nhưng chúng ta mất thời gian để phiên dịch, chúng ta thiệt thòi rất nhiều”.
Phạm Hương cho biết, khi cô đi thi, đại diện BTC vẫn gửi phiên dịch cho tất cả các nước, dù có cần hay không họ vẫn bên cạnh hỗ trợ. Nhưng chỉ hỗ trợ những cuộc phỏng vấn quan trọng, còn lại tất các các cuộc phỏng vấn bên lề từ phía truyền thông, mỗi người đều phải tự xử lý.
Phạm Hương cũng chia sẻ, tùy theo cuộc thi, tính chất cuộc thi thì mỗi người sẽ nắm được các kiến thức bên ngoài, chuyên môn như về hòa bình, môi trường, thế giới,... Riêng cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ mà Phạm Hương tham gia, điểm chính vẫn là những câu hỏi xung quanh bản thân nên cũng không quá nhiều khó khăn, dễ dàng để trả lời.
Tuy nhiên, người đẹp khẳng định, ngoại ngữ rất quan trọng. Trong cuộc thi trước, cá nhân Phạm Hương cũng phải tự chuẩn bị, học thêm, vì trong các cuộc phỏng vấn cô phải học cách trả lời nhanh và ngắn gọn nhất.
Phạm Đặng Phương Chi: “Không có ngoại ngữ, tốt nhất không nên thi”
Phương Chi cho rằng, có ngoại ngữ, thí sinh sẽ thuận lợi khi tham gia các hành trình và giao tiếp bạn bè.
Phương Chi đạt danh hiệu top 10 tại cuộc thi "Nữ hoàng du lịch Quốc tế 2016", thành tích cao nhất trong số các thí sinh Việt Nam từng tham dự cuộc thi này. Người đẹp cho biết khó khăn của mình tại cuộc thi chính là tại cuộc thi không sử dụng tiếng Anh.
Với kinh nghiệm chinh chiến tại cuộc thi quốc tế, Phương Chi cho biết, ngoại ngữ rất quan trọng. Có ngoại ngữ, thí sinh sẽ hiểu được những yêu cầu, luật lệ. Thuận lợi khi tham gia các hành trình và giao tiếp bạn bè. Top 10 Nữ hoàng du lịch Quốc tế khẳng định: “Không có ngoại ngữ tốt nhất không nên thi”.
Lan Khuê dự thi Hoa hậu Thế giới 2015.
Năm 2015, đại diện của Việt Nam là Lan Khuê dự thi Hoa hậu Thế giới. Trong clip giới thiệu về bản thân do ban tổ chức Hoa hậu Thế giới 2015 công bố, dù nói khá trôi chảy, lưu loát nhưng vì vấn đề phát âm chưa chuẩn nên clip của Lan Khuê cần phụ đề. Có vài thí sinh thuộc trường hợp giống cô. Trong số đó, có cả người đẹp Viên Lộ của Trung Quốc. Viên Lộ hoàn toàn sử dụng tiếng Hoa khi giới thiệu. Nhiều ý kiến cho rằng tiếng Anh tốt là lợi thế nhưng không phải tiêu chí hàng đầu. Vu Văn Hà (Đại diện Trung Quốc) cũng không nói tiếng Anh trong đêm Chung kết nhưng vẫn lên ngôi Hoa hậu Thế giới 2012, còn Trương Tử Lâm ẵm vương miện năm Hoa hậu Thế giới 2007 dù tiếng Anh hạn chế. |
Tác giả bài viết: Phương Nhung - Băng Châu
Nguồn tin: