Kinh tế

Tiền mới của Zimbabwe gợi nhớ thời lạm phát 500.000.000.000%

Khả năng Zimbabwe quay lại tiền tệ cũ đang khiến người dân phản đối dữ dội, do sợ sự tái xuất của thời lạm phát phi mã khiến họ phải từ bỏ nội tệ cách đây 7 năm.

Sắp tới, Zimbabwe sẽ ra mắt loại tiền được gọi là bond note - được neo vào USD với giá trị tương đương, bắt đầu với các mệnh giá từ 2 – 5 USD, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Zimbabwe - John Mangudya giữa tuần này cho biết. Đây sẽ là sự bổ sung cho nhóm ngoại tệ đang được sử dụng từ năm 2009, nhưng hiện thiếu hụt do xuất khẩu suy giảm.

James Sakupwanya - một người bán tạp hóa tại thành phốMutare - phản đối việc này. Anh và nhiều người Zimbabwe khác như mình coi đây là một động thái nhằm quay lại đồng đôla Zimbabwe. "Chúng tôi sẽ phản đối việc này. Đây là loại tiền tệ họ muốn áp đặt chúng tôi sử dụng, để giải quyết cuộc khủng hoảng do chính họ tạo ra", anh cho biết. Thời đỉnh điểm năm 2008, lạm phát của Zimbabwe lên tới 500 tỷ %, khiến nước này sau đó phải từ bỏ nội tệ.

Lần thông báo trước về kế hoạch này cũng thổi bùng làn sóng giận dữ tại thủ đô Harare, dù Chính phủ cho biết số tiền mới được bảo đảm bằng khoản vay 200 triệu USD từ một chủ nợ đa phương. Các ngân hàng hiện phải hạn chế rút tiền mặt để ngăn người dân trữ USD - đồng tiền được sử dụng trong 95% giao dịch nước này. Trong khi đó, một số cửa hàng cho biết đã hết sạch hàng hóa thiết yếu.

Tờ 100.000 tỷ đôla của Zimbabwe. Ảnh: AP

Zimbabwe đang lâm vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản, khiến Chính phủ phải hoãn trả lương nhân viên vài tháng gần đây. Hồi 9/9, Bộ trưởng Tài chính - Patrick Chinamasa cho biết họ có thể cắt giảm 25.000 công chức do không thể chi trả lương. Zimbabwe hiện nợ các tổ chức như IMF, World Bank, ADB khoảng 9 tỷ USD, và đã quá hạn 1,8 tỷ USD lẽ ra phải trả hồi tháng 6.

Ngoài USD, người Zimbabwe còn dùng 8 ngoại tệ khác, trong đó có rand Nam Phi, euro, bảng Anh và NDT Trung Quốc. Thuyết phục người dân dùng bond note sẽ là việc rất khó khăn, do nó gợi lại ký ức không mấy tốt đẹp về nội tệ.

Bên cạnh đó, Naome Chakanya – nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Kinh tế và Lao động ở Harare cho biết bond note cũng không thể giải quyết các vấn đề cấu trúc của nền kinh tế. Zimbabwe khủng hoảng do chiến dịch tịch thu đất trang trại do người da trắng sở hữu, và đưa chúng cho các nông dân da đen được trợ cấp. Việc này đã kéo cả đất nước vào cuộc suy thoái kéo dài gần một thập kỷ, do xuất khẩu - từ thuốc lá đến hoa hồng - lao dốc.

Khoảng 3 triệu trong số 13 triệu người dân nước này hiện vẫn sống ở nước ngoài, theo số liệu của Liên hợp Quốc. Việc làm trong ngành sản xuất đã giảm từ 200.000 năm 2009 xuống 85.000 hiện tại. Trong khi đó, khoảng 4.600 công ty đã đóng cửa trong 3 năm qua.

Giới phân tích cho rằng khi người dân đã phản đối bond note, họ sẽ không dùng nó. Khả năng cao là việc này sẽ khiến thị trường chợ đen cho USD càng phát triển, từ đó gây ra thêm vấn đề cho nền kinh tế. Người ta cũng nghi ngờ khi Chính phủ không nêu rõ tên chủ nợ nào sẽ cho Zimbabwe vay số tiền 200 triệu USD kia.

Vì vậy, khi không có nền tảng vững chắc, bond note sẽ chẳng khác mấy so với bearer check - loại tiền tệ tạm thời với mệnh giá tương đương 100.000 tỷ đôla Zimbabwe, được tung ra trong đỉnh điểm lạm phát 2008.

"Họ đã quên rằng chúng tôi từng phản đối bearer check. Và giờ, chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự với bond note", Sakupwanya cho biết.

Tác giả bài viết: Hà Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok